Nhật siết visa đoàn vì khách Việt bỏ trốn?
Đại sứ quán Nhật Bản hủy bỏ, đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn cho khách tham quan đối với 8 công ty du lịch. Chiều 5/7, Sở Du lịch Hà Nội làm việc với doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
ÐÌNH CHỈ
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chấp thuận cho một số công ty du lịch (đạt tiêu chuẩn nhất định, đã đăng ký từ trước) đại diện xin cấp visa đoàn cho khách tham gia tour công ty đó tổ chức. “Mặc dù vậy, Đại sứ quán xin thông báo hủy bỏ hoặc đình chỉ có thời hạn tư cách của công ty du lịch sau đây khỏi danh sách của Đại sứ quán vì vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết với Đại sứ quán Nhật Bản”, trích thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản.
Bảy công ty du lịch bị hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn gồm: Cty CP Đầu tư và Thương mại Du lịch Việt (Viettourin), Cty CP Du lịch Quốc tế Golden Team Việt Nam, Cty CP Lữ hành Nam Cường, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Gia, Cty TNHH Quốc tế Hoàng Cầu, Cty CP Đầu tư Phát triển Du lịch Thắng Lợi, Cty CP Dịch vụ Giải trí Hà Nội. Ngoài ra, Cty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam-Chi nhánh Hà Nội (Vietravel Hanoi) bị đình chỉ tư cách trong vòng 6 tháng (tới hết 31/12/2019).
Liên quan tới thông tin các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội bị hủy bỏ, đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn, Sở Du lịch Hà Nội làm việc với các doanh nghiệp. Ông Vũ Công Huy, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Cuộc làm việc chiều 5/7 chỉ có ba công ty là Vietravel, Cty CP Lữ hành Nam Cường và Cty CP Dịch vụ Giải trí Hà Nội tham gia. Theo ông Huy, Sở lắng nghe ý kiến, giải trình của các doanh nghiệp. Được biết Đại sứ quán Nhật Bản không giải thích lí do cụ thể với các doanh nghiệp, mà sẽ thông báo bằng văn bản chính thức tới Tổng cục Du lịch.
Dù chưa giải thích lí do, thì nguyên nhân lớn nhất mà một số doanh nghiệp nghĩ tới chính là: hiện trạng một số du khách Việt bỏ trốn. “Theo quy định của Đại sứ quán Nhật Bản, các đơn vị được chỉ định sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật và việc luôn đảm bảo khách đi và về cùng đoàn, theo chương trình được định sẵn sẽ là điều kiện quan trọng để các đơn vị giữ được quyền đại diện xin cấp visa”, đại diện Vietravel lí giải.
Cụ thể năm ngoái, Vietravel tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật du lịch. Chi nhánh Vietravel Hà Nội có 3 khách không về lại cùng đoàn, 2 khách về sau đoàn, chiếm tỷ lệ 0,03% số khách đến Nhật trong năm. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc Vietravel Hà Nội bị Đại sứ quán Nhật Bản tạm đình chỉ tư cách đại diện xin visa trong 6 tháng, kể từ 1/7/2019”, đại diện Vietravel thông tin thêm.
NÂNG CAO HÌNH ẢNH KHÁCH VIỆT
Mới đây sự kiện 149 khách bỏ trốn tại Đài Loan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Các nhà quản lý, chuyên gia du lịch cũng như các doanh nghiệp lo ngại một số cá nhân cố tình bỏ trốn qua hình thức du lịch, khiến nhiều quốc gia không thiện cảm với khách Việt. Đương nhiên, hiện tượng du lịch rồi bỏ trốn ở lại không chỉ xảy ra đối với khách Việt.
“Mặc dù Vietravel luôn có biện pháp ngăn chặn việc du khách ở lại sau tour, tuy nhiên năm 2018 vẫn có trường hợp khách không về cùng đoàn. Chúng tôi cũng hiểu việc du khách cố tình ở lại Nhật Bản nói riêng, các quốc gia khác nói chung không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch Việt Nam nói chung, gây ra sự khắt khe của các nước trong việc cấp visa du lịch”, đại diện Vietravel thừa nhận.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty TransViet cho biết, ngay cả một số công ty du lịch lớn, uy tín, thi thoảng vẫn bị đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa Nhật Bản, nguyên do chủ yếu liên quan tới việc khách bỏ trốn. Các doanh nghiệp du lịch dù cố gắng kiểm soát, nhưng khó lọc triệt để đối tượng có ý định bỏ trốn. Đại sứ quán thực tế “nắm kẻ có tóc” là các doanh nghiệp, nên khách bỏ trốn thì phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tiên. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng từng nêu ý kiến về việc không ai truy cứu hình ảnh người Việt xấu xí khi du lịch nước ngoài nên không có tính răn đe, kể cả hành vi bỏ trốn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc Đại sứ quán Nhật Bản chọn ra danh sách hơn 70 công ty ủy quyền xét hồ sơ visa là chính sách hay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách. Nhìn sang chính sách xuất nhập cảnh của Hàn Quốc, du khách muốn du lịch phải chứng minh tài chính,công việc khá phức tạp. Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, từ sự việc đình chỉ này của Nhật Bản, các công ty cần kiểm soát tốt hơn để không ảnh hưởng tới chính sách thông thoáng về xuất nhập cảnh, góp phần nâng cao hình ảnh người Việt khi du lịch nước ngoài.
Ông Vũ Công Huy, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin các công ty bị hủy bỏ, đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn, Sở có văn bản đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp làm rõ sự việc. Được hỏi về giải pháp, Chánh Thanh tra Sở nói rằng cơ quan này tiếp tục tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp du lịch, trong lúc chờ công văn chính thức từ phía Đại sứ quán Nhật Bản.