Nhật Tân: 'Nghề hoa' nơi làng cổ
Mảnh đất kinh kỳ được coi là nơi có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất trong cả nước. Vùng đất 'bách nghệ' ấy có một làng nghề lâu đời, gắn với giai thoại vua Quang Trung mang cành đào tặng công chúa Ngọc Hân thay lời báo tin mừng chiến thắng. Đó là 'nghề hoa' làng Nhật Tân.
Làng Nhật Tân xưa kia là phường Nhật Chiêu, thuộc Tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên của Kinh đô Thăng Long thời Lê. Trải qua nhiều lần đổi thay cùng lịch sử, đến năm 1996, mảnh đất này chuyển thành phường Nhật Tân, thuộc quận Tây Hồ. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề truyền thống - nghề trồng hoa - để Nhật Tân trở thành làng hoa đẹp nức tiếng kinh kỳ, và đào Nhật Tân được coi là “linh hồn của ngày Tết”.
Bà Đỗ Thị Mai Lan, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Nhật Tân, cho biết: “Tổng diện tích bà con trồng hoa ở Nhật Tân là khoảng 90ha, trong đó có 79ha trồng hoa đào; 10,5ha trồng các loại hoa cắt; 0,5ha trồng quất”.
Có lẽ, để xác định làng Nhật Tân có từ khi nào thì không ai chắc chắn được. Trong truyền thuyết dân gian có câu chuyện về 7 cây gạo ở Nhật Tân thuở xưa phu nhân họ Lạc, vợ của vua Diệu Đế cho trồng để tưởng nhớ việc bà sinh bọc 7 trứng sau hóa thành 7 con rồng bay lên trời. Hay, câu chuyện Cao Biền lên núi ngắt một nhành hoa đào về làm dấu ấn giao mùa để rồi từ đó, nghề trồng hoa đào dần hình thành và làm nên danh tiếng cho mảnh đất này.
“Tôi theo nghề truyền thống của làng được khoảng 30 năm rồi. Bố mẹ tôi là người truyền nghề cho tôi. Khi mẹ tôi còn sống, tôi chủ yếu trồng hoa tươi, nhưng sau khi mẹ tôi mất, tôi chuyển sang trồng đào là chính. Vì trồng hoa tươi đòi hỏi phải có người đi chợ để bán hằng ngày, nhưng tôi không sắp xếp được. Hiện tại tôi trồng đào với diện tích hơn 2000m2, hằng năm thu về từ 200 đến 300 triệu đồng. Mỗi gốc đào, thông thường tôi để từ 3 đến 4 cành”, ông Hàn Trung Dũng, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ.
Ông Hàn Trung Dũng cho biết thêm: “Cách chăm sóc đào của người làng Nhật Tân có sự khác biệt với những nơi khác, nhưng về cơ bản vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, người trồng đào phải lắng nghe thời tiết để ứng biến, điều chỉnh các khâu chăm sóc cây, từ việc bón phân, tưới nước cho đến thời điểm tuốt lá. Trước tết 2 tháng cũng là thời điểm người dân vừa tuốt lá xong, người buôn đào đã bắt đầu đến các vườn để chọn đào bán tết. Ngoài khách mua buôn, thì tôi cũng bán cho khách lẻ khi họ đến vườn tham quan vào thời điểm sát tết”.
“Làng Nhật Tân có nghề truyền thống là trồng hoa đào và các loại hoa tươi. Ngoài trồng đào thì tôi có trồng thêm cúc họa mi, cúc đông, cúc đại đóa, cúc chi trắng, chi vàng, cúc cam, cúc mắt ngọc, cúc magic. Tổng diện tích nhà tôi trồng là 10.000m2, trong đó có 6.000m2 trồng đào, còn lại là trồng cúc. Mùa này, tôi chủ yếu trồng cúc họa mi, trong đó 1 phần tôi xử lý bằng thuốc, còn 1 phần thì để tự nhiên theo mùa. Đối với cúc họa mi xử lý, tôi trồng sớm hơn, tầm giữa tháng 5 là bắt đầu trồng. Để phục vụ bán tết thì tôi trồng cúc đông, cúc mắt ngọc và cúc cam. Ngoài tết thì tôi thu hoạch cúc magic”, bà Lê Thu Huyền, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội tâm sự.
Đến Nhật Tân hôm nay, ngoài những cánh đào dày dặn thắm tươi trứ danh, còn có rất nhiều loại hoa, cây cảnh khác, do đó, nơi đây còn được coi là “khu vực thiên nhiên đẹp nhất Hà Nội”.
Anh Nguyễn Thái Thường, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội nói: “Tôi bắt đầu thay đổi mô hình từ trồng đào sang trồng cây thiết mộc lan và hạnh phúc từ năm 2017. Kỹ thuật chăm bón khá phức tạp vì cây ươm và phát triển trong môi trường nhà lưới, đòi hỏi không khí thoáng mát. Từ lúc nhập cây về ươm đến lúc hình thành sản phẩm xuất vườn là 4 tháng. Vì làm số lượng lớn chuyên phân phối các đại lý và cửa hàng cây cảnh, đơn vị cho thuê... và các cộng tác viên, nên ban đầu tôi phải đi khắp các nơi chào hàng, sau dần cây mình có thương hiệu, uy tín thì khách hàng tự tìm đến rất nhiều”.
Nếu như trước đây, Nhật Tân chỉ tấp nập vào dịp gần Tết khi nhà nhà đi tìm chọn để mua “hoa báo xuân” thì ngày nay, hầu như lúc nào nơi này cũng tấp nập. Muôn hoa khoe sắc, 12 mùa hoa đều rực rỡ tại Nhật Tân lôi cuốn rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp. Để có được những vườn hoa đua nở như vậy, người trồng hoa ở Nhật Tân rất vất vả và khó khăn nhất của “nghề hoa” chính là thời tiết.
Bà Huyền chia sẻ thêm: “Nghề trồng hoa có muôn vàn vất vả khó khăn, phải dậy từ sớm để tưới cây, làm cỏ, phun thuốc... Đến mùa thu hoạch, ban ngày chúng tôi cắt hoa, mớ hoa, đến buổi tối thì chất hoa lên xe để chở ra bán ở chợ hoa Quảng An. Hôm nào sớm thì 3, 4 giờ sáng được về, còn không thì đến 5, 6 giờ sáng mới được về. Trong quá trình chăm sóc, khó khăn nhất mà nông dân như chúng tôi gặp phải là vấn đề thời tiết. Như năm nay, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, diện tích trồng đào và cúc của nhà tôi gần như mất trắng. Hiện nay, tôi đang trồng thêm cúc thay thế diện tích đào chết, hy vọng đến tết có nguồn thu nhập bù vào phần nào thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra”.
Cũng giống bà Huyền, trong quá trình phát triển, vườn của gia đình anh Thường gặp nhiều khó khăn, nhất là do thời tiết. Anh chia sẻ: “Khí hậu miền Bắc thay đổi 4 mùa nên mỗi mùa phải chăm sóc cây theo 1 kỹ thuật riêng. Quá trình triển khai nhà lưới ban đầu khá vất vả do nguồn vốn thấp, diện tích nhỏ và do mình làm loại cây khác so với mọi người xung quanh, ít người biết đến nên khó tiếp cận khách hàng. Sau này, được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo địa phương, anh em bạn bè và người thân trong gia đình nên nhà vườn phát triển khá ổn định”.
Còn theo nhìn nhận của ông Hàn Trung Dũng: “Năm nay đào không được đẹp như mọi năm vì thời tiết năm nay không phù hợp với đặc tính của cây đào, còn chưa kể ảnh hưởng của cơn bão số 3. Vườn đào nhà tôi năm nay bị chết mất 60% tổng diện tích. Vì vậy tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa từ Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho người nông dân được vay vốn với lãi suất thấp để tái sản xuất lại cây trồng”.
Bà Đỗ Thị Mai Lan cho biết: “Cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại 46% tổng diện tích, trong đó có 31,3ha trồng đào; 10ha hoa cắt các loại; 0,5ha quất; ước tính 45 tỷ đồng. Hiện tại có 620 hộ gia đình tham gia trồng hoa, trong đó có 580 hộ gia đình chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra. Trong quá trình trồng, chăm sóc, bà con chủ yếu gặp khó khăn về thời tiết. Theo tôi, thời tiết quyết định 50%, còn lại 50% là do công sức lao động của bà con. Đặc biệt, sau thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, bà con phải mất 3 năm mới ổn định lại việc sản xuất. Vì vậy, tôi mong muốn bà con sớm tiếp cận được gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách để giúp bà con yên tâm tái sản xuất”.
Đây cũng là mong muốn chung của bà con làm “nghề hoa” ở Nhật Tân để gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và để ngôi làng ven sông ấy mãi thắm sắc hoa!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhat-tan-nghe-hoa-noi-lang-co-801741