Nhật Tân - Thắm sắc 'dinh đào'
Từng có lúc người ta thắc thỏm mai này liệu có còn những vườn đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) khi 'dinh đào' nhường đất để xây dựng đô thị. Nhưng những con người vốn sinh ra, lớn lên trong sắc thắm hoa đào không chịu thôi nghề truyền thống của cha ông.
Mồ hôi, công sức đổ xuống biến vùng bãi bên sông Hồng thành vùng đất trồng đào mới. Người Nhật Tân hồi sinh những giống đào cổ, tạo ra những dáng thế độc đáo không đâu có được. Từ ngày Nhật Tân suýt mất nghề đào đến giờ, một lứa nghệ nhân mới đã hình thành, với tư duy năng động, sáng tạo, góp phần đưa thương hiệu dinh đào Nhật Tân lên một tầm cao mới.
Trong danh sách những nghệ nhân đua tài ở Hội thi Hoa đào truyền thống Hà Nội năm 2024 có một "thí sinh" còn rất trẻ. Đó là Trần Duy Thuần, người vừa bước sang tuổi 25. Dù có nhiều nghệ nhân tài hoa tham gia hội thi, Duy Thuần vẫn là một trong những gương mặt vinh dự nhận giải.
Sắc đào ăn vào máu thịt
Tết Giáp Thìn đã cận kề. Đường về dinh đào Nhật Tân như ửng hồng giữa tiết lây rây mưa bụi. Trần Duy Thuần (vườn đào Tuấn Việt, ngõ 264 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ) vừa cùng mọi người "bốc" đào lên ô-tô để chuyển đi xa, vừa tranh thủ quay… TikTok. Ai cũng bất ngờ khi chàng thanh niên trẻ tuổi này giành giải khuyến khích trong Hội thi hoa đào truyền thống năm 2024. Bởi tham gia hội thi là gần 30 "cây đa, cây đề" của đất đào Nhật Tân và Phú Thượng, với 54 tác phẩm hội tụ tinh hoa của đất nghề trăm năm. Nhưng còn bất ngờ hơn, nghệ nhân ngoài đôi mươi này còn là một TikToker… có hạng. Duy Thuần có nhiều clip về nghề trồng đào thu hút hàng triệu lượt xem.
Duy Thuần chia sẻ: "Nhật Tân có truyền thống trồng đào. Nhưng khi hỏi giá, nhiều người bảo sao cây đào này đắt thế? Thực tế là nhiều người vẫn chưa hiểu giá trị thật sự của những cây đào cổ, đào thế lâu năm. Điều đó thôi thúc em ứng dụng truyền thông để lan tỏa đi vẻ đẹp, giá trị của những cây đào. Thí dụ như một cây đào phải mất những khâu chăm sóc nào, những cây đào cổ, đào thế phải mất bao nhiêu năm mới có thể có dáng đẹp, chứ không phải chỉ một vài năm".
Câu chuyện của nghệ nhân - TikToker Duy Thuần là câu chuyện về sự đan xen giữa hiện đại và truyền thống. Sinh ra, lớn lên trong sắc thắm hoa đào. Lên sáu, lên bảy tuổi đã bắt đầu cắt cành, tuốt lá, tưới cây phụ giúp cha mẹ. Tình yêu với cây đào ăn vào máu thịt. Cây đào Duy Thuần đem đi dự thi là một cây đào thuộc diện "cha truyền, con nối", cũng ngang tuổi của Thuần. Sáu năm trước, Thuần được bố giao cho cây đào cổ này để phá thế, tạo ra dáng thế mới. Thuần đã cắt rất sâu những cành cũ và "nuôi" suốt ba năm mới ổn định dáng cây. Sang đến năm thứ năm, thứ sáu, cây đào ấy mới phô sắc trọn vẹn.
"Có lẽ sinh ra, lớn lên cùng cây đào nên em không thấy việc gì khó. Cái khó là cần sự kiên trì. Một cái khó nữa là làm sao để cây đào tiếp cận được thị trường, để khách hàng hiểu về văn hóa chơi đào. Đó là việc em đang làm", Duy Thuần nói.
Khi lên phố, lên phường, phần lớn cư dân các nơi cũng xa rời đồng ruộng. Người Nhật Tân thì khác. Sắc đào ăn vào máu thịt nên người ta không chịu thôi làm nông dân. Người ta kiên quyết bám trụ với nghề, thực hiện một cuộc đại di cư cho cây đào từ dinh cũ sang đất mới ở bãi sông. Ở Nhật Tân không thiếu "chuyện lạ" về mối lương duyên giữa con người với cây đào. Có lẽ vì thế mà những con người nơi đây vẫn mãi là "nông dân đô thị".
Nghệ nhân trẻ Duy Thuần từng học ngành luật. Thế rồi bỏ về làm… nông dân. Hay như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (vườn đào Thủy Thủy), người bị "nghiệp đào" vận vào cuộc đời. Nghề trồng đào nắng mưa, giá rét nhọc nhằn. Mà cái giống đào, thường giá rét nhiều thì lại càng đẹp.
Thế nên nói đến những nông dân tài năng cỡ nghệ nhân thường là cánh đàn ông, con trai. Nhưng chị Thủy lại mê đắm với sắc đào. Khi xướng danh chị Nguyễn Thị Thanh Thủy giành giải nhất Hội thi Hoa đào truyền thống năm 2024, nhiều người đã ngạc nhiên. Với người dân dinh đào thì không. Không ai còn lạ những ngày chị dầm mình trong mưa phùn, gió bấc để chăm đào. Không ai còn lạ gì những đêm ăn ngủ với gốc đào của chị.
Ở mảnh đất này, nhiều tỷ phú đào. Nhưng ai cũng thế, bàn tay thô ráp, nước da nhuộm màu sương gió. Vì không ăn ngủ cùng đào thì không thành công được. Và cây đào của chị cũng là một "bảo bối". Cây đào đó cũng là đào cổ Nhật Tân, tuổi đời đến 40 năm, từ xa mang hình con rồng đang vươn lên.
"Làm cây đào thế vất vả lắm. Nhưng đời ông, đời cha mình đã trồng đào rồi thì mình say mê. Mà đã say mê thì mình cố gắng vượt qua", chị Thủy cười khi nói về chuyện "khác người" của mình.
Khi hiểu câu chuyện ấy, mới hiểu tại sao nhiều người Nhật Tân cho thuê đào thế, đào cổ, chứ không thích mua đứt, bán đoạn. Phần vì để chăm được một cây "chuẩn Nhật Tân" phải mất nhiều thời gian, phần vì người ta đã gắn bó qua năm tháng.
Nâng tầm thương hiệu
Bãi sông Hồng giờ mênh mông sắc thắm. Nhưng trong câu chuyện của người Nhật Tân, luôn có hành trình vượt khó hơn 20 năm trước. Thương hiệu đào Nhật Tân từng đứng trước nỗi lo mai một khi khu đô thị Ciputra chiếm trọn 28 ha đào - nơi mà người dân gọi là "đào đồng" (ở cánh đồng trong đê để phân biệt với đào ngoài bãi).
Anh Lê Hàm, người hồi sinh giống đào thất thốn nổi tiếng nhớ lại: "Lúc ấy nhiều người lo Hà Nội sẽ mất đi thương hiệu đào Nhật Tân do chúng tôi nhường đất cho khu đô thị. Nhưng chúng tôi xác định còn người là còn nghề. Khi đó, thành phố bố trí cho chúng tôi cải tạo vùng đất ven sông Hồng. Dù biết là vất vả, chúng tôi vẫn quyết gắn bó, gìn giữ nghề trồng đào".
Những người gắn bó với đất Nhật Tân vẫn gọi đây là một kỳ công cải tạo. Đất bãi ngày ấy là những ruộng ngô, ruộng màu xen lẫn đất hoang. Cây đào thì khó tính lắm, ưa đất cao, cần mau thoát nước. Người ta phải đổ đất để nâng cốt vườn, rồi quật đất lên thành luống. Nhiều chỗ phải đổ đất cao từ 5 đến 7m mới bảo đảm môi trường sinh trưởng cho cây. Chưa hết, ra môi trường thổ nhưỡng mới, cây đào không thể thích nghi ngay. Lại phải mày mò nghiên cứu điều chỉnh phương pháp chăm bón. Những người sống lâu năm ở Hà Nội vẫn nhớ có thời điểm đào Nhật Tân kém sắc, cánh hoa mau rạc màu. Nhưng rồi, khoảng ba, bốn năm sau khi "tái định cư" trên đất bãi, sắc đào đã thắm lại như xưa.
Diện tích trồng đào ở Nhật Tân hiện giờ đã lên đến 78 ha, gần gấp ba hồi ở dinh đào cũ. Thời điểm thu hồi đất, Nhật Tân có khoảng 770 hộ trồng đào, thì bây giờ con số là xấp xỉ 800. Đó là điều những bất ngờ mà không ai tưởng tượng nổi ở thời điểm 20 năm về trước. Đã có lúc người ta phải lo lắng về những gốc đào cổ khi đào rừng ồ ạt chuyển về. Bây giờ, câu chuyện rẽ sang một hướng khác.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân Trần Tuấn Việt giải thích: "Những cây đào lâu năm đều được coi là đào cổ. Nhưng giống đào xưa là giống khi ra nụ, nụ có màu đen. Chúng tôi gọi đó là đào "mắt đen", hoặc "mắt nâu". Còn giống đào sau này thì nụ sáng màu, gọi là "mắt trắng". Đào "mắt nâu" hoa to, bông đào đỏ thẫm, nhưng không bền. Giáp Tết mà trở một đợt gió đông, trời nồm là người trồng đào mất ăn Tết. Người ta mới bảo trồng đào "đánh bạc" với thời tiết là vì thế. Đào "mắt trắng" tuy hoa nhỏ hơn, nhưng sức sống khỏe, các lứa hoa kế tiếp nhau, thời tiết thay đổi vẫn trụ được. Nếu chăm sóc tốt, màu hoa đào không khác gì so với bích đào xưa của Nhật Tân. Thế nên, chúng tôi phối hợp trồng cả hai loại. Thị trường bây giờ cũng nhiều người sành chơi, chỉ thích chọn đào "mắt nâu". Vì thế, chưa bao giờ đào cổ Nhật Tân hồi sinh mạnh mẽ như bây giờ".
Trong những khu vườn lớn ở Nhật Tân, luôn có một không gian riêng cho đào cổ. Với gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, trong 700 gốc đào, thì có đến 200 gốc đào cổ. Gia đình anh Trần Tuấn Việt cũng vậy, đào cổ chiếm một lượng đáng kể trong 600 gốc đào. Anh Việt khẳng định rằng, xã hội ngày càng phát triển, thú chơi đào cũng ngày càng "tinh" hơn, nghệ nhân càng phải cố gắng cho ra những tác phẩm mới, đẹp hơn xưa. Sự trợ giúp của khoa học, kỹ thuật khiến quá trình này thuận lợi hơn.
Nhật Tân được công nhận là làng nghề truyền thống của Hà Nội năm 2015. Cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Khu du lịch Nhật Tân, với thế mạnh chủ lực là cây đào. Những năm trước đây, Nhật Tân vẫn tổ chức Hội thi Hoa đào truyền thống trong phạm vi phường.
Đón Xuân Giáp Thìn này, hội thi được nâng lên cấp thành phố, được tổ chức trên chính dinh đào Nhật Tân. Thương hiệu đào Nhật Tân ngày một vươn xa. Quận Tây Hồ đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Cây đào không đơn thuần là một sản phẩm trang trí như trước kia nữa, mà trở thành một yếu tố trong xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa thông qua Đề án "Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch" mà quận Tây Hồ đang triển khai.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: "Quận Tây Hồ sẽ triển khai đầu tư phát triển hạ tầng thuận lợi cho hoạt động du lịch ở làng đào Nhật Tân. Chúng tôi động viên, khuyến khích các nhà vườn thiết kế cảnh quan xứng tầm để khách đến thưởng ngoạn; đồng thời, triển khai giới thiệu vẻ đẹp các loại đào, các quy trình trồng, chăm sóc đào… cho du khách. Dinh đào Nhật Tân sẽ kết nối với các danh thắng, các không gian trồng hoa lớn như: Thung lũng hoa, Bãi đá sông Hồng, các di tích, làng nghề trên địa bàn quận Tây Hồ để trở thành tour du lịch hấp dẫn, qua đó, nâng tầm giá trị cho cây đào".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tham-sac-dinh-dao-post795104.html