Nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực

Nhận diện rõ những thuận lợi, khó khăn của địa phương; quán triệt sâu sắc chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy về nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã gắn với kiểm soát quyền lực là vấn đề mới, đòi hỏi vừa phải có chủ trương đúng đắn vừa có cách làm thận trọng, bài bản và linh hoạt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Thận trọng, chắc chắn, đồng bộ

Hải Hà là huyện miền núi, biên giới và hải đảo có địa bàn rộng với 16 đơn vị hành chính cấp xã; dân số trên 6 vạn dân, có 11 dân tộc sinh sống. Toàn Đảng bộ có 2.831 đảng viên, 44 chi, đảng bộ cơ sở; 118 chi bộ thôn, bản, khu phố. Những năm qua, tuy kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục duy trì phát triển ổn định và tăng trưởng ở mức cao nhưng cơ bản Hải Hà vẫn là huyện còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới; chuyên môn, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã có mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngay sau khi có Quyết định số 1884-QĐ/TU ngày 28/2/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế huyện Hải Hà”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung triển khai thực hiện đề án với bước đi, lộ trình chặt chẽ, phù hợp, với kế hoạch, biện pháp triển khai đồng bộ:

Trước hết, chỉ đạo thực hiện thí điểm ở một số xã có quy mô nhỏ nhưng đoàn kết nội bộ cơ sở cao (như xã Cái Chiên, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Phú Hải), sau đó tiếp tục nhân rộng thực hiện nhất thể hóa chức danh ở những xã, thị trấn có quy mô lớn, điều kiện khó khăn, phức tạp hơn. Thứ hai, chỉ đạo thường xuyên và làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, với cơ chế nêu gương của người đứng đầu theo Quy định 08-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định 04-QĐ/TU của Tỉnh ủy. Thứ ba, chuẩn bị và bố trí nguồn cán bộ phù hợp thông qua việc luân chuyển cán bộ từ các ban đảng, văn phòng cấp ủy, các đoàn thể huyện sang các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc khối UBND huyện và ngược lại; luân chuyển cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư đảng ủy) từ xã này sang xã khác; luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ các phòng, ban xuống cơ sở và ngược lại.

Cũng giống các địa phương trong tỉnh, Hải Hà lựa chọn cán bộ được giao cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng, đứng đầu tổ chức Đảng đồng thời đứng đầu cấp chính quyền tại cơ sở phải thật sự là người tiêu biểu, có trình độ tương đối toàn diện và có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh quyết đoán, dám làm dám chịu trách nhiệm, uy tín và khả năng tập hợp, quy tụ được anh em cán bộ, có phong cách làm việc sâu sát, khoa học, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; nhưng điểm khác biệt của Hải Hà là tất cả các đồng chí trước khi được lựa chọn là bí thư cấp ủy đều đã trải qua chức danh chủ tịch UBND cấp xã với năng lực, trình độ, uy tín phù hợp.

Vì vậy, khi nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, vừa thông hiểu công tác đảng lại thành thạo công tác quản lý nhà nước, thực hiện cùng một lúc “hai vai”, trong đó phân biệt rõ “vai” của người đứng đầu. Cùng với đó là thực hiện tốt chủ trương bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương nhằm rèn luyện, đào tạo cán bộ, khắc phục tính cục bộ địa phương, tư duy dòng họ và tư tưởng “sống lâu lên lão làng”; tạo lập tư duy mới trong thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương, đặc biệt là trong triển khai xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, chú trọng cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhất thể hóa chức danh thông qua việc chỉ đạo rà soát quy chế làm việc của từng đảng bộ; xây dựng mẫu quy chế để phân công rõ “vai” bí thư cấp ủy, “vai” chủ tịch UBND xã; thực hiện chủ trương phó bí thư đảng ủy xã đồng thời là chủ tịch HĐND; phó bí thư thường trực đảng ủy xã không phải người địa phương và phó bí thư đảng ủy xã đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc xã để thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, Huyện ủy còn thành lập các tổ công tác, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phụ trách địa bàn; thường xuyên dự sinh hoạt định kỳ của các Đảng bộ, dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, trực tiếp nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng nhân dân, kịp thời giải quyết các vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc ngay từ cơ sở; lắng nghe ý kiến của nhân dân về chủ trương nhất thể hóa chức danh,….tạo điều kiện thuận lợi để cơ chế kiểm soát quyền lực được phát huy toàn diện

Kết quả nổi bật và tác động của chủ trương

Nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực từ thực tiễn Hải Hà đã khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của chủ trương. Bí thư đồng thời là chủ tịch đã kết hợp hài hòa hai nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý điều hành, khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy, giảm hội họp, tiết kiệm được thời gian; dễ lãnh đạo, điều hành, dễ phối hợp thực hiện.

Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể có sự gắn kết chặt chẽ; chủ trương, nghị quyết dễ dàng cụ thể hóa; phân công, phân nhiệm rõ ràng, hiệu quả hơn; công việc được triển khai thông suốt từ xã, thị trấn đến các thôn, bản, khu phố. Bí thư vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy cấp trên, vừa là người trực tiếp chỉ đạo UBND, ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương nên nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc tổ chức thực hiện của UBND.

Mặt khác, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người tạo nên sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, mọi thông tin đến cấp ủy là đến UBND; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện; nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại, “đùn đẩy” trách nhiệm hoặc mất đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND. Nhiều vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài do thiếu sự thống nhất trong nội bộ được giải quyết kịp thời làm tăng đoàn kết trong Đảng, củng cố niềm tin trong nhân dân; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo quê hương.

Kiểm soát tốt quyền lực đã đưa Hải Hà trở thành một trong điểm sáng trong việc thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo: (1) Bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 11/16 xã (đạt 68,75%), vượt 18,75% so với chỉ tiêu đề ra (là 50%); (2) Phó bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc ở 14/16 xã (đạt 87,5%); (3) Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phốở118/118 (đạt 100%) thôn, bản, khu phố; (4) Phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận ở 76/118 (đạt 64,4%) thôn, bản, khu phố. Bên cạnh đó, Hải Hà cũng là địa phương thực hiện tốt chủ trương Bí thư Đảng ủy xã không phải người địa phương ở 11/16 xã (đạt 68,75%); Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương ở 08/16 (đạt 50%); Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã không phải người địa phương ở 09/16 xã (đạt 56,25%), trong đó, có 03/09 phó bí thư thường trực Đảng ủy xã làm công tác Biên phòng.

Từ thực tiễn cho thấy, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, giúp cán bộ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể; cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả hơn, nhất là giải quyết những vấn đề khó, mới phát sinh ở cơ sở. Thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải vừa làm, vừa nghiên cứu, rà soát, rút kinh nghiệm, chắc chắn, thận trọng, bài bản và phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu không được để phát sinh tiêu cực, hậu quả.

Trong thời gian tới, huyện Hải Hà tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; quyết thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020, Hải Hà đạt huyện nông thôn mới và sớm trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh.

NGUYỄN NHÀN

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nhat-the-hoa-chuc-danh-bi-thu-cap-uy-dong-thoi-la-chu-tich-ubnd-cap-xa-gan-voi-co-che-kiem-soat-quyen-luc-122317