Nhật thực xuất hiện rực rỡ ở Úc
Các nhà thiên văn học, vũ trụ học và những người yêu mến thiên văn đã đổ xô đến một vùng xa xôi của Tây Úc vào thứ Năm (20/4) để chứng kiến nhật thực, khi Mặt trăng che khuất Mặt trời trong 58 giây.
John Lattanzio thuộc Hiệp hội Thiên văn Úc cho biết: “Nhiều người trở nên nghiện khoảnh khắc hoặc khoảng thời gian khác lạ đó của thế giới. Họ trở thành 'những người theo đuổi nhật thực' và họ đi khắp thế giới để có những trải nghiệm này".
Theo những người quan sát ở Úc, hiện tượng nhật thực xảy ra lúc 11:29:48 giờ địa phương - và rồi nó mang đến bóng tối và sự tĩnh lặng một cách ấn tượng. Chưa đầy một phút sau, vùng hẻo lánh bụi bặm một lần nữa được tắm trong ánh sáng.
Hiện tượng nhật thực vừa xảy ra được giới thiên văn học mô tả là “nhật thực lai” khá hiếm gặp, vừa lần đầu tiên diễn ra sau 10 năm.
Hiện tượng này xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời theo cách mà những người ở trên quỹ đạo nhật thực hẹp của nó sẽ được ngắm nhìn nhật thực hình khuyên hoặc toàn phần, tùy thuộc vào họ ở đâu so với Mặt trăng, bao gồm một số vùng của Úc, Đông Timor và Indonesia.
Và theo những người quan sát sự kiện vừa rồi, một vùng ở Sydney, Úc thì nhật thực chỉ là một phần, với ít hơn 20% Mặt trời bị che khuất bởi Mặt trăng.
Trong khi đó, cư dân ở Tây Papua và Timor Leste đã có thể được chứng kiến nhật thực toàn phần. Tuy nhiên, thời tiết nhiều mây khiến việc xem nhật thực gặp khó khăn ở một số vùng trong khu vực này vào thứ Năm.
Mặc dù thú vị và có thể gây xúc động cho người xem, nhật thực đã mang đến cho các nhà khoa học cơ hội quan sát nhật hoa của mặt trời, vốn thường bị che khuất bởi các tia sáng của nó.
Việc chứng kiến một hiện tượng nhật thực tương tự đã từng giúp Albert Einstein đưa ra giả thuyết rằng ánh sáng có thể bị bẻ cong.
Huy Hoàng (theo AP, AFP, CNA)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhat-thuc-xuat-hien-ruc-ro-o-uc-post244537.html