Nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.

Theo đó, Ủy ban TCNS nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Tạo dư địa để các địa phương có thể huy động tối đa nguồn lực

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 01/01/2022 và có thời hạn 05 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này chỉ đến hết năm 2025 để bảo đảm phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường cho biết: Đối với chính sách dư nợ vay, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.

Các đại biểu cho rằng quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021-2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.

Đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hải Phòng không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách Thành phố và một số khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định điều kiện được hưởng khi “ngân sách Trung ương không hụt thu” là chưa bảo đảm thống nhất với cơ chế mà thành phố Hải Phòng đang thực hiện theo Nghị định 89/2017/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị quy định như Nghị định 89/2017/NĐ-CP mà thành phố Hải Phòng đang được hưởng.

Tương tự, đa số ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo Nghị quyết là hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Song có ý kiến đề nghị cần cân nhắc tính hợp lý của việc đề xuất ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương này vì có thể dẫn đến việc lập dự toán thấp, không sát với thực tế để được hưởng số tăng thu.

Trước đề xuất hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu, Chủ tịch Ủy ban TCNS cho biết: Đa số ý kiến cho rằng, việc bổ sung nguồn lực để góp phần hoàn thành việc di dân tái định cư, tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho Khu kinh tế Nghi Sơn là nhu cầu cần thiết.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì có thể dẫn đến việc lập dự toán không sát thực tế để hưởng số chênh lệch tăng thu.

Ủy ban TCNS nhất trí với Dự thảo Nghị quyết ở nội dung tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Bởi đây là cơ chế đã được quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp phù hợp

Đối với quy định thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết này.

Tuy nhiên, đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn nhưng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được toàn bộ. Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tăng cường nguồn lực cho công tác trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định: “Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách cho ngân sách địa phương, tương tự như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố kiến thiết”.

Đẩy mạnh phân cấp về quản lý đất đai

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết với quy định “HĐND tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50ha và HĐND tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000ha.

Ủy ban TCNS cho rằng, cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các địa phương trong trường hợp cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, đề nghị lưu ý việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân. Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch Ủy ban TCNS cũng cho biết: Có ý kiến chưa tán thành với quy định của Dự thảo Nghị quyết về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vì việc không bảo vệ được rừng đã gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững và quy định trên có thể sẽ tạo tiền lệ không tốt, đặc biệt trong bối cảnh báo động về môi trường như hiện nay.

Đối với quy định “HĐND thành phố Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”, Ủy ban TCNS cho rằng, để đẩy mạnh phân cấp, phần quyền quản lý hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có thể giao HĐND tỉnh thành phố Hải Phòng quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện cần công khai, lấy ý kiến người dân, được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế

Ủy ban TCNS nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết về quản lý quy hoạch. Theo đó, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố này thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

Về thu từ xử lý nhà, đất, Ủy ban TCNS đồng ý với dự thảo Nghị quyết quy định: Ngân sách tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh”.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới…

Chủ tịch Ủy ban TCNS cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ. Theo đó, Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ để thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc tính hợp lý khi sử dụng ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân. Bởi theo Tờ trình thì ngoài việc sử dụng trùng tu các công trình, di sản do Nhà nước quản lý trực tiếp thì Quỹ còn được dùng để cải tạo các di sản thuộc sở hữu của các nhân, tổ chức cộng đồng như miếu, nhà rường…

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nhat-tri-ban-hanh-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-thi-diem-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-4-dia-phuong-317859.html