Nhất trí bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình Kỳ họp thứ 7
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình 3 dự án, dự thảo vào Kỳ họp thứ 7, trong đó, có 1 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chiều 15/4, tại phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến về: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Dự phiên họp có: đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngàng chức năng.
Đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của năm; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về đề nghị của Chính phủ về chương trình năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ là ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình 3 dự án, dự thảo vào Kỳ họp thứ 7, trong đó, có 1 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024.
Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh đối với 4 dự thảo để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến khai mạc vào tháng 5/2024).
Cần thiết bổ sung dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, “Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chúng tôi đã thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Trong kỳ họp thứ 7 Ủy ban Quốc phòng và An ninh có tới 7 nội dung được giao, nhiều hơn kỳ trước 6 nội dung. Tuy nhiên, có Luật Cảnh vệ và Luật Vũ khí, vật liệu nổ sửa không nhiều, do đó chúng tôi có bàn trong thường trực thống nhất đảm trách được các nội dung được giao”.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu ý kiến cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình kỳ họp thứ 7 và thông qua kỳ họp thứ 8, vì trong thời gian qua tình hình cháy nổ trên cả nước diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ việc xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong khu vực dân cư và các hộ gia đình, các hộ gia đình kết hợp với sản xuất kinh doanh, cơ sở karaoke, gây chết nhiều người, có vụ chết trên 30 người.
“Chúng tôi thấy rằng qua kiểm tra và điều tra xác định nguyên nhân cũng như kết hợp với kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2014 – 2018 đã chỉ ra một số hạn chế bất cập liên quan đến luật, cần thiết có sự cấp thiết phải sớm trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại hình cơ sở về phòng cháy chữa cháy mới xuất hiện các tình huống nguy cơ liên quan đến phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; các giải pháp quản lý liên quan đến loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.
“Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện nay đang còn thiếu rất nhiều và gắn trách nhiệm của các Bộ thì trong luật hiện hành vẫn chưa xác định” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ và cho biết, việc bổ sung, sửa đổi dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào kỳ họp thứ 7 và thông qua kỳ họp thứ 8 còn nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện; xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy chữa cháy cơ sở và dân phòng và việc tổ chức phòng cháy chữa cháy tình nguyện.
“Vừa rồi chúng ta thông qua Luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng đồng bộ liên thông” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho rằng, nếu như đẩy lùi Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào kỳ họp thứ 8 và thông qua kỳ họp thứ 9 thì sẽ ảnh hưởng đến các dự luật mà tiếp theo Bộ Công an đang còn dự kiến sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội. “Do đó, chúng tôi đề nghị rất cấp thiết cho phép được trình Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vì hiện nay nội dung chuẩn bị đầy đủ, rất đảm bảo yêu cầu, có thể thông qua và cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 này” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết đồng ý việc điều chỉnh các nội dung về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị khẩn trương hoàn thiện nghị quyết về vấn đề này để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong ngày 16/4.