Nhậu tới bến' - nên thay đổi

'Nhậu tới bến', nhậu cho đã đời, đến say bí tỉ mới về nhà… là thói quen của nhiều người khi tham gia các buổi nhậu, tiệc tùng. Thế nhưng, đằng sau những phút giây vui chơi quá đà là biết bao hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Khi chưa thể bỏ thói quen tiêu dùng rượu, bia thì cũng cần thay đổi quan niệm 'nhậu tới bến'.

Là câu nói cửa miệng của nhiều người mỗi khi nhập tiệc, hôm nay “nhậu tới bến”, “nhậu xả láng sáng về sớm”, ý nói anh em gặp nhau ăn uống vui chơi thoải mái, hết mình hẳn về. Đó là một trong những tính cách thoáng đãng, hào sảng của người dân Nam Bộ xưa. Mỗi khi có khách, tiệc tùng, người ta luôn muốn mời nhau ly rượu, bữa cơm. Trong khi ăn uống lại trò chuyện, bàn bạc nhiều việc, vấn đề cốt để việc kết giao thân càng thêm thân, tình nghĩa ngày càng thêm khắng khít.

Theo thạc sĩ Trương Chí Hùng, giảng viên Khoa Sư phạm (Trường Đại học An Giang), cụm từ “nhậu tới bến” xuất phát từ đám cưới của người miền Tây. Ngày trước, việc đưa dâu hay rước dâu chỉ bằng tàu ghe, bởi vậy cánh mày râu tha hồ nhậu nhẹt. Thông thường, đàng trai qua nhà đàng gái thì chỉ được đãi bánh nước chớ không đãi tiệc, đến khi làm lễ xong thì rút lui. Còn đàng gái qua đàng trai thì được đãi ăn uống hoành tráng lắm. Bàn của mấy anh, mấy chú thì đương nhiên phải có rượu. Thậm chí, đàng trai phải cử những người nhậu mạnh nhất để tiếp rượu đàng gái. Có điều, thời gian dùng tiệc bên nhà trai không thể kéo dài mãi.

Đến khi các vị trưởng tộc dùng bữa xong xin kiếu về, để thể hiện sự nhiệt tình, cánh đàng trai còn cầm theo mấy chai rượu đưa tiễn các “chiến hữu” của mình từ nhà chú rể xuống tới tận chỗ chiếc tàu đưa dâu đang đậu, đi vài bước là uống với nhau một ly. Khi họ nhà gái đã lên tàu hết, phía đàng trai còn gởi thêm mấy chai rượu và vài dĩa mồi theo. Tàu rời bến, mấy anh trên tàu lúc này mới đem rượu, đem mồi ra nhậu tiếp. Tàu chạy cứ chạy, mấy anh uống cứ uống. Uống đến khi nào tàu về tới bến thì mới nghỉ. Bởi vậy, dân gian gọi là “nhậu tới bến”. Sau này, cụm từ đó được dùng với nghĩa rộng hơn, là nhậu đến khi nào say bí tỉ mới thôi.

Thế nhưng, thói quen “nhậu tới bến” dường như đã không còn phù hợp trong xã hội hiện nay. Bởi lẽ ngày nay sau cơn nhậu say, nhiều người không tự thừa nhận mình say mà luôn cố gắng lái xe máy, ô tô về nhà. Trong cơn say loạng choạng, đầu óc không còn tỉnh táo, không nhìn rõ và không thể xử lý tình huống bất ngờ nên người say tự té ngã hoặc gây tai nạn cho những người khác.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% số người chết có liên quan rượu, bia. Thống kê cũng cho thấy, trong số 100 nạn nhân tử vong do TNGT liên quan đến rượu, bia thì độ tuổi từ 15 - 29 chiếm gần 60%. Người trẻ uống rượu, bia thiếu kiểm soát, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là thực tế nổi cộm.

Để góp phần làm giảm thiểu TNGT do rượu, bia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ công an) đã triển khai Kế hoạch 371/KH-C08-P1 về việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên cả nước. Thống kê sơ bộ, đến hết quý I/2023, có hơn 151.000 lái xe bị phạt vì uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, tình trạng TNGT liên quan đến rượu, bia đã giảm mạnh.

Đó là tín hiệu vui, được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn liệu sau xử phạt, người dùng rượu, bia đã hình thành ý thức tuân thủ pháp luật “đã uống rượu, bia thì không lái xe” hay vẫn “nhậu tới bến” và tìm cách né tránh lực lượng chức năng. Người dân vẫn mong nhất sự tự ý thức của người nhậu khi uống có chừng mực, sau khi nhậu phải có người thân hay dịch vụ đưa về tận nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Nếu ai đã từng trải qua cảm giác nuôi chồng hơn 6 tháng tại bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh như chị N.T.B.B (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) thì mới hiểu được nỗi lòng của người vợ. Chồng chị bị chấn thương sọ não, nguyên nhân do sau cuộc liên hoan, anh tự lái xe máy về và tông thẳng vào trụ điện. 6 tháng qua, chị B. phải tạm dừng công việc, gửi con nhỏ cho ông bà nội trông giúp, gom góp hết tiền bạc tích lũy để lo cho chồng, may mắn là người chồng dần bình phục và cần thêm thời gian tập vật lý trị liệu.

Đó là trường hợp may mắn, gia đình còn có khả năng lo liệu, còn biết bao gia đình khác vẫn từng ngày, từng giờ chịu đựng nỗi đau do TNGT liên quan đến rượu, bia. Rất nhiều gia đình không được hạnh phúc trọn vẹn từ thói quen “nhậu tới bến” của cánh đàn ông. Bạo lực gia đình, suy giảm sức khỏe, đau bệnh, hạn chế khả năng tư duy, lao động, sáng tạo, kinh tế gia đình sa sút… là những hệ lụy từ việc sử dụng rượu, bia quá mức, mất kiểm soát, đang len lỏi và tác động đến từng gia đình. Do vậy, ngay khi không thể bỏ thói quen tiêu dùng rượu, bia, nên chăng người dùng cần thay đổi quan niệm “nhậu tới bến”, uống có chừng mực, biết kiểm soát bản thân để cuộc vui còn ý nghĩa.

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhau-toi-ben-nen-thay-doi-a361536.html