Nhậu xong, nam thanh niên đau nhói ngực xuyên ra sau lưng rồi nguy kịch
Sau cuộc nhậu với bạn bè, nam thanh niên 34 tuổi, ở Thái Nguyên xuất hiện cơn đau nhói ở ngực, xuyên ra sau lưng rồi lan dọc xương sống và nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp một nam thanh niên 34 tuổi, ở Thái Nguyên nguy kịch sau khi uống rượu bia do tăng huyết áp dẫn tới phình rách động mạch chủ ở tim.
Theo đó, ban đầu bệnh nhân xuất hiện cơn đau nhói ở ngực, xuyên ra sau lưng rồi lan dọc xương sống. Khi được đưa đến bệnh viện khám, các bác sĩ xác định nam thanh niên này đã trong tình trạng tối cấp cứu, rất nguy kịch.
Ths.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán trung thất giãn ngực, theo dõi phình rách động mạch chủ từ tuyến dưới và được khẩn cấp chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Ngay khi nhập viện, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân có tổn thương phình rách động mạch chủ xuất phát từ tim, lan rộng đến 2 nhánh động mạch chân. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu. Sau 5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ giữ được tính mạng cho bệnh nhân nhờ kịp thời can thiệp.
“Ca mổ thành công, hiện bệnh nhân đã khỏe, ra viện. Tuy nhiên nếu sau phẫu thuật, bệnh nhân không kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, tiểu đường, điều chỉnh chế độ sinh hoạt thì nguy cơ tái bệnh vẫn rất cao. Thực tế, tại Bệnh viện cũng đã có nhiều trường hợp phải mổ đến 4 lần do không kiểm soát tốt huyết áp sau phẫu thuật”, BS. Khổng Tiến Bình khuyến cáo.
Theo bác sĩ Khổng Tiến Bình, thông thường, người trẻ tuổi ít chú ý đến bảo vệ, thăm khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp bệnh nhân ở trên là đã có yếu tố nguy cơ do thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, và không hề biết bản thân bị tăng huyết áp.
Trong khi đó, hiện có đến 70% các bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện nay liên quan đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.
Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sỹ.
Cụ thể, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
Đặc biệt bác sĩ Khổng Tiến Bình cũng khuyến cáo: Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường như: Đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ…