Nhảy việc liên tục: 'Căn bệnh chung' của thế hệ trẻ

Không hài lòng với mức lương, không yêu thích công việc, không hòa nhập được với đồng nghiệp… khiến cho tình trạng nhảy việc ở giới trẻ ngày càng tăng, thậm chí một số bạn trẻ còn sẵn sàng đổi chỗ làm việc liên tục để 'trải nghiệm'.

Tìm kiếm việc làm luôn là một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Nhiều người không biết rõ mình muốn gì và điều phù hợp với mình, đi kèm đó là những áp lực trong công việc khiến cho vấn đề nhảy việc, bỏ việc ngày càng trở nên phổ biến hơn.

“Nhảy việc” ngày càng trở nên phổ biến ở những người trẻ tuổi.

Tình trạng lao động trẻ liên tục đổi nơi làm việc luôn là bài toán gây đau đầu cho phòng nhân sự các công ty, điều này có thể đẩy giới trẻ vào tình trạng mất phương hướng nếu nhảy việc tùy tiện theo cảm xúc nhất thời.

Nhảy việc chỉ vì cảm xúc

Chị Phan Thị Trang (Hà Nội) là một sinh viên vừa mới ra trường nhưng đã chuyển chỗ làm việc tới hai lần vì không phù hợp với môi trường và đồng nghiệp ở công ty.

“Chuyện là 4 năm đại học, kể cả lúc đi làm thêm cho đến khi thực tập vấn đề tôi gặp phải là đúng một chuyện là môi trường và đồng nghiệp. Tôi thực tập và được giữ lại công ty, nhìn chung đây là công việc lý tưởng với sinh viên mới ra trường như tôi, nhưng tôi đã xin nghỉ vì cảm nhận mình lẻ loi và mọi người không thích mình”, chị Trang nói.

“Thời gian dần qua tôi luôn cố gắng nhưng mỗi khi chuẩn bị đến công ty mình lại cảm thấy ngột ngạt và dần sợ đâm ra mệt mỏi. Là một người nhạy cảm và thế là tôi đã xin nghỉ. Và sắp tới đây, tôi tiếp tục sang công ty mới, tôi lại sợ lặp lại vấn đề môi trường và đồng nghiệp, nếu vẫn thế thì xác suất tôi nghỉ việc tiếp vẫn lớn”, chị Trang nói đầy lo lắng.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn nghỉ việc liên tục vì cảm xúc của bản thân.

Chị Như Hoa (23 tuổi, Thanh Hóa) hiện đang làm việc cho một công ty vận chuyển tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi yêu thích một công việc hối hả, tất bật khiến bản thân luôn phải cố gắng không ngừng nghỉ, một công việc khiến tôi luôn tràn đầy năng lượng, một công việc khó nhằn khiến đôi lúc tôi cảm thấy kiệt sức”.

“Nếu một công việc ổn định, mọi thứ cứ đều đều trôi, tôi sẽ nhảy việc. Chỗ ở tôi cũng thế, 6 năm ở Hà Nội tôi chuyển nhà 12 lần, nếu chỗ ở đang bình yên, tôi sẽ chuyển trọ cho mọi thứ xáo trộn lên”, chính vì điều này, tới thời điểm hiện tại chị Hoa đã đổi rất nhiều công ty để làm việc.

Khó khăn để tìm một công việc phù hợp

Chị Đoàn Phương Thảo (21 tuổi, Nam Định) chia sẻ về quá trình nhảy việc liên tục của mình tại Hà Nội: “Tròn hai năm mình đặt chân lên Hà Nội. Vừa học xong cấp ba, chân ướt chân ráo bắt xe lên Hà Nội đi xin việc làm không người quen, không người thân đến một nơi hoàn toàn xa lạ chỉ xin mẹ duy nhất 1.200.000 đồng”.

Chị Thảo nộp hồ sơ vào một cửa hàng bán quần áo thử việc không lương 2 tuần thì phát hiện ra bản thân không phù hợp với công việc nên lựa chọn nghỉ việc.

Lần thứ hai, chị Thảo nộp hồ sơ vào một trung tâm bán xe máy cũ, sau một tuần thấy "mùi" lừa đảo lại nghỉ việc. Hết tiền mẹ cho, chị bắt đầu ra ngoài đi làm part time (bán thời gian), những công việc nhận lương luôn từ công nhân thời vụ theo ngày, bưng bê quán ăn, chạy tiệc, PG siêu thị… chỉ đủ tiền tiêu và gửi về cho mẹ được ít. Sau đó chị vừa làm trợ giảng tiếng Anh, vừa làm part time.

Chị tiếp tục chia sẻ về công việc: “Tết 2020 mình lại đi xin việc. Làm order cho một nhà hàng khá có tiếng ở Hà Nội, do môi trường làm việc phức tạp không hợp nên lại nghỉ. Dịch căng nhưng bản thân vẫn xin được một công việc ở một cửa hàng điện máy tư nhân, nhưng vì xa chỗ ở, đi về khuya và ngồi máy tính cả ngày mắt tăng độ cận nhanh chóng, mấy tháng sau mình lại nghỉ”.

Công việc hiện tại khiến chị Thảo cảm thấy vừa ý: “Đợt đầu đi làm PG ở siêu thị, nhận ra được làm ở đó phù hợp với bản thân ở thời điểm dịch này và có thể học hỏi kinh nghiệm và dễ có được mức lương như mong muốn”, tuy nhiên có nhảy việc nữa hay không thì chị Thảo vẫn chưa chắc chắn.

Mong muốn “việc nhẹ lương cao”

Nhảy việc khiến cho nhiều người trở nên rối loạn, mất phương hướng.

Rất nhiều bạn trẻ ước muốn tìm kiếm vị trí kiểu “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng thực tế điều này không hề tồn tại, bởi việc nhẹ nhàng thì sẽ yêu cầu ít kỹ năng nên tiền công khá là khiêm tốn. Ngược lại việc càng khó, trách nhiệm càng cao thì mới được trả công “hậu hĩnh” tương xứng.

Trên thực tế, nhảy việc cũng là một trong những cách tạo ra cơ hội của tuổi trẻ, tuy nhiên hãy xây dựng cho mình những suy nghĩ nền tảng thật đúng đắn trước khi quyết định nhảy việc.

Nhu cầu có việc làm vừa ý đôi khi khiến nhiều bạn trẻ quyết định vội vàng và quên mất rằng lựa chọn nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là tìm một việc làm đem lại thu nhập, mà có thể nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống sau này.

Bài và ảnh: Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhay-viec-lien-tuc-can-benh-chung-cua-the-he-tre-post187715.html