Nhện gié nguy hiểm đang gây hại lúa

Lúa hè thu vào giai đoạn cuối vụ thường xảy ra bệnh nhện gié nguy hiểm gây hại. Tính đến ngày 6/8, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700ha lúa bị bệnh nhện gié và diện tích bị bệnh này có thể lây lan trong thời gian đến, đe dọa và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Nông dân Trần Văn Chiến ở phường Hương Sơ (TP. Huế) cho biết, tại thời điểm lúa hè thu bước vào giai đoạn cuối vụ thì một số loại bệnh xảy ra trên nhiều xứ đồng như lem lép hạt, sâu cuốn lá, đặc biệt là loại bệnh nguy hiểm nhện gié gây hại thường làm mất năng suất. Ông Chiến lo lắng mấy sào ruộng của gia đình đang bị loại bệnh này gây hại rải rác, có nguy cơ lây lan do sử dụng các biện pháp phòng trừ chưa hiệu quả.

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, nhện gié là loại bệnh nguy hiểm đối với lúa, nhất là vụ hè thu trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Đây là điều kiện thuận lợi cho loại bệnh này sinh sôi và lây lan nhanh. Bệnh này thường làm cho năng suất lúa vụ hè thu bị giảm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700ha bị bệnh nhện gié gây hại, tăng hơn 30ha so với tuần trước. Tỷ lệ bệnh gây hại bình quân từ 5-10%, nơi cao 20%, rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Bệnh khô vằn cũng đang lây lan diện rộng với diện tích nhiễm trên 2.000ha, tăng 175ha so với tuần trước và tăng 140ha so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ bệnh từ 5-10%, nơi cao 10-20%. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Hòa (TP. Huế) thông tin, đơn vị đang tập trung hướng dẫn bà con phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là nhện gié và khô vằn với nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách).

Theo nhận định của ông Hồ Đính, từ nay đến cuối vụ, các đối tượng sinh vật gây hại khác như rầy, bọ phấn… gây hại rải rác với mật độ và tỷ lệ thấp. Riêng bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn, nhện gié tiếp tục phát triển gây hại gia tăng tỷ lệ và diện tích phân bố. Rầy nâu phát triển tích lũy mật độ và gây hại gia tăng trên đồng ruộng, nhất là các vùng đang nhiễm rầy, vùng nhiễm rầy nặng hàng năm. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu cuốn lá nhỏ, bọ phấn, sâu đục thân, bệnh đốm nâu, gạch nâu... tồn tại và phát triển gây hại trên nhiều đồng ruộng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cử cán bộ phối hợp với các hợp tác xã tổ chức hướng dẫn nông dân tiếp tục phun phòng trừ bệnh nhện gié và các loại bệnh khác như bệnh lem lép hạt khi lúa trổ vè thưa, sau khi lúa trổ xong (sau phun lần 1: 5-7 ngày); lựa chọn các loại thuốc có tác dụng phòng bệnh lem lép hạt và trừ bệnh khô vằn, vàng lá, thối bẹ lá đòng... như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC... để hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng.

Người dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phun trừ rầy nâu, bọ phấn (đối với rầy mật độ trên 1.500 con/m2, bọ phấn mật độ trên 3.000 con/m2). Sau phun 2-3 ngày thì kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy các sinh vật có xu hướng gia tăng sẽ phun lần hai để chống tái nhiễm. Trên cơ sở nguyên tắc “4 đúng”, các hợp tác xã, địa phương hướng dẫn nông dân phun đủ lượng nước - thuốc trên đơn vị diện tích (20-30 lít/500m2), phun vào chiều tối. Sau khi phun nếu gặp mưa dông thì tiến hành phun lại lần hai để hạn chế sinh vật tái nhiễm gây hại. Thường xuyên giữ nước trong ruộng từ khi làm đòng đến trổ chín, chỉ tháo cạn ruộng trước khi thu hoạch 7 ngày.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nhen-gie-nguy-hiem-dang-gay-hai-lua-143898.html