Nhen nhóm niềm yêu sách trong cộng đồng

Cùng với các thư viện cơ sở, trên cả nước mô hình thư viện tư nhân và không gian đọc phục vụ cộng đồng ngày càng được nhân rộng và phát triển. Không chỉ góp phần đáng kể vào sự phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho người dân địa phương, một số thư viện và không gian đọc còn là câu chuyện về tấm gương nghị lực phi thường, về những con người trách nhiệm và tâm huyết với sự phát triển của văn hóa đọc nước nhà.

Ngày càng nhiều thư viện tư nhân

Tháng 4-2018, đường Nguyễn Thị Định, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xuất hiện một thư viện mang tên Thư Sinh Quán. Chủ nhân của thư viện này là thầy giáo Trần Mạnh Hào, sinh năm 1985 hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.

Xuất phát từ tình yêu sách và muốn chia sẻ tình yêu ấy với nhiều người, thầy Hào đã mang toàn bộ sách của bản thân để mở thư viện. Hơn một năm ra đời đến nay, Thư Sinh Quán đã có hơn 5.000 bản sách, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm giới thiệu sách và dần trở thành điểm đến thú vị của nhiều bạn đọc tại địa phương.

Tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên), người dân cũng đã quá quen với thư viện Vân Tùng, được thành lập từ năm 1994 với tên gọi ban đầu là “Tủ sách gia đình Vân Tùng”.

Cô giáo Ngô Thị Hồng Vân – Chủ nhiệm thư viện cho hay lúc đầu lượng sách rất ít ỏi nhưng giờ đây đã tăng tăng lên hơn 4.000 đầu sách báo. Tình yêu sách của gia đình cô giáo Vân cũng đã dần lan tỏa đến bạn bè, học trò, các bạn trẻ. Sách của thư viện Vân Tùng còn được cô giáo Vân luân chuyển thường xuyên đến Câu lạc bộ Sách và hành động của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên với mong muốn góp phần nhỏ bé xây xây dựng văn hóa đọc cho các bạn sinh viên đang theo học trong trường.

Là người yêu sách, đam mê sưu tầm sách, ông Hoàng Thái Cát ở phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đứng ra thành lập thư viện tư nhân phục vụ người dân tại địa bàn mình sinh sống. Năm 2014 – 2015, ông đã trích một phần lương hưu để mua sách và kêu gọi quyên góp sách từ các nhà hảo tâm và bạn bè nhằm tăng thêm nguồn sách cho thư viện.

Còn ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, thư viện Dương Liễu do anh Phùng Bá Hưng thành lập từ năm 2013 cũng đã trở thành điểm đến của những người yêu sách xã Dương Liễu và cả các xã lân cận. Trải qua 5 năm, đến nay thư viện Dương Liễu đã có gần 4.000 đầu sách, thu hút gần 1.800 bạn đọc đăng ký làm thẻ và 50 tình nguyện viên hỗ trợ. Đáng chú ý tại thư viện Dương Liễu còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú giúp bạn đọc phát triển hơn về đời sống tinh thần.

Các bạn nhỏ chăm chú đọc sách tại thư viện Dương Liễu (Hà Nội).

Các bạn nhỏ chăm chú đọc sách tại thư viện Dương Liễu (Hà Nội).

Theo số liệu báo cáo của địa phương, hiện nay trên cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong đó 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức thư viện gia đình, dòng họ. Các thư viện này được thành lập ra bởi các cá nhân tâm huyết, các nhóm thuộc một tổ chức, công ty, dòng họ...

Nhiều người đã tự nguyện lấy tiền và tài sản của mình để xây dựng thư viện với mong muốn qua sách báo phổ biến tri thức cho bà con ở quê hương, mong muốn họ đọc và làm theo sách báo, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao khả năng sáng tạo và học tập suốt đời cho người dân.

Có thể kể đến các thư viện tư nhân tiêu biểu như: thư viện Trần Văn Chín, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Ngọc Minh ở Hà Nội; thư viện Bùi Đình Thăng ở Hưng Yên, thư viện Đoàn Duy Thành ở Hải Dương, Trương Văn Huyên ở Tiền Giang, Đặng Văn Thành ở Bến Tre, Huỳnh Tấn Hưng ở Vĩnh Long, Võ Duy Nam ở Bình Định, Phạm Thế Cường ở TP. Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thị Thanh – Phó giám đốc Thư viện tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay cả tỉnh Thái Bình đã có 18 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Tại Cà Mau, mô hình tủ sách tư nhân cũng ngày càng được nhân rộng và dần tạo nên một gam màu mới trong bức tranh toàn cảnh của ngành thư viện tỉnh.

Hiện Cà Mau đã có 17 thư viện tư nhân hoạt động, nằm rải rác ở các huyện vùng sâu, vùng xa, tiêu biểu là thư viện tư nhân của gia đình ông Phan Văn Hiểu ở ấp 2, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau. Để giảm nhẹ kinh phí đầu tư, các phòng đọc sách tư nhân cũng đã kết nối với thư viện tỉnh luân chuyển sách về phục vụ phòng đọc…

Lan tỏa các mô hình không gian đọc

4 năm về trước, không gian đọc mang tên Hy vọng của bạn trẻ Đỗ Hà Cừ chính thức khai trương tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Chẳng ai ngờ một người bị liệt bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc màu da cam như Đỗ Hà Cừ lại có thể tạo dựng được một không gian như thế. Mẹ của Đỗ Hà Cừ - bà Đỗ Thị Kim Sơn kể rằng tuy không được đến trường nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình và tự học nên Hà Cừ đã biết đọc.

Chi hội phụ nữ trực thuộc Công an tỉnh Thái Bình thăm và tặng sách cho Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ.

Chi hội phụ nữ trực thuộc Công an tỉnh Thái Bình thăm và tặng sách cho Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ.

Từ khi biết chữ cậu bé Hà Cừ vô cùng thích đọc sách, coi sách như người bạn, người thầy. Không có khả năng mua nhiều sách để đọc nên gia đình phải đi thuê, mượn sách về cho Hà Cừ đọc. Nhưng rồi lượng sách mượn và thuê ấy cũng không thể đáp ứng được tính ham đọc của Hà Cừ nên chàng trai này đã tự học vi tính, kết nối internet để xin sách về đọc.

Một lần tình cờ khi Hà Cừ vào mạng xin sách, em đã được mách đến địa chỉ xin sách đó là chương trình sách hóa nông thôn. Ở đó em nhận được tư vấn và cả lời khuyên nên mở không gian đọc. Và rồi không gian đọc Hy vọng ra đời. Từ 300 đầu sách ban đầu, đến nay không gian đọc Hy vọng đã có khoảng 4.000 đầu sách, và lượng độc giả đăng ký mượn thường xuyên lên tới 600 người.

Không gian đọc Hy vọng chỉ là một trong chuỗi không gian đọc tại tỉnh Thái Bình – nơi hình thành mô hình không gian đọc đầu tiên trên cả nước.

Anh Trần Thiện Tùng – người sáng lập không gian đọc tại tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2008 không gian đọc đầu tiên đã được ra đời tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Quân và chị Kiều Bạch Tuyết.

Từ Không gian đọc An Phú – điểm đầu tiên trong chuỗi không gian đọc, đến nay tại Thái Bình không gian đọc đã phát triển thành một chuỗi gồm nhiều thư viện miễn phí như: Không gian đọc Bương Hạ, Không gian đọc An Dục (huyện Quỳnh Phụ), Không gian đọc Niềm tin, Không gian đọc Tâm Hoa (huyện Đông Hưng), Không gian đọc thôn Nội (huyện Vũ Thư), Không gian đọc Hoa hướng dương (Kiến Xương), Không gian đọc Ước mơ (huyện Hưng Hà).

Điều đặc biệt, nhiều chủ nhân của những không gian đọc này cũng là những khuyết tật, và họ là người đã được Đỗ Hà Cừ truyền cảm hứng và giúp đỡ để hình thành những không gian đọc tại địa phương mình.

Một trong những không gian đọc được đánh giá tiêu biểu nhất hiện nay là Không gian đọc An Dục thành lập năm 2013 tại nhà vợ chồng thầy cô giáo Vũ Ngọc Toàn, Dương Lệ Nga (giáo viên về hưu xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Nói về không gian đọc tại gia đình mình, cô giáo Dương Lệ Nga cho biết: “Không gian đọc An Dục còn là điểm trung chuyển sách báo cho Thái Bình và nhiều nơi trên cả nước. Sách báo do các nhà hảo tâm gửi về Không gian đọc An Dục sẽ được phân loại, sau đó được luân chuyển đi các tỉnh Sơn La, Bắc Giang và nhiều điểm Không gian đọc trong tỉnh Thái Bình. Một điểm nổi bật của Không gian đọc An Dục là bạn đọc có thể mượn sách từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối các ngày trong tuần. Nếu chủ nhà đi vắng thì thủ thư sẽ là hàng xóm. Không gian đọc An Dục có đội ngũ thủ thư làm đại sứ đọc sách cho các tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học và tiếp tục lan tỏa cho tới khi học sinh trưởng thành; có nhóm nòng cốt tự dàn dựng sân khấu hóa khuyến đọc…”.

Mô hình không gian đọc tại Thái Bình cũng đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước như: Không gian đọc Bồ Đề Tâm 1 và Bồ Đề Tâm 2 (tỉnh Bắc Ninh), Không gian đọc Hội An (tỉnh Quảng Nam), Không gian đọc Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê (tỉnh Vĩnh Long)...

Còn nhiều băn khoăn

Thực tiễn cho thấy hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đang ngày một phát triển và đóng góp tích cực vào mạng lưới thư viện của cả nước. Sự hiện diện của các thư viện tư nhân, các không gian văn hóa đọc và sự tận tâm của những người lập và quản lý thư viện đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy thói quen đọc sách ở mỗi cá nhân và văn hóa đọc trên quy mô xã hội.

Từ thực tế mô hình quản lý và hoạt động hiệu quả của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại Hà Tĩnh, bà Phan Thị Thủy – Trưởng phòng Xây dựng phong trào Thư viện tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “Thư viện tư nhân đang có những bước phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu của bạn đọc, là một trong những mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện cấp cơ sở, mô hình xã hội hóa hoạt động thư viện, đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng”.

Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận thì hoạt động của thư viện tư nhân, của các không gian đọc vẫn còn nhiều tồn tại.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại hội nghị tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhìn chung các thư viện tư nhân chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo được sự hấp dẫn thực sự với người dân; nhân viên thư viện chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế; nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của thư viện không có hoặc không ổn định.

Mặc dù các thư viện đã có nhiều đổi mới và triển khai nhiều nội dung khác nhau nhưng hiệu quả hoạt động còn chưa cao, một số ít địa phương còn chưa tạo điều kiện cho thư viện tư nhân làm thủ tục đăng ký và triển khai hoạt động phục vụ…

Anh Phùng Bá Hưng – chủ Thư viện tư nhân Dương Liễu (Hà Nội) cho rằng với việc thành lập một cách tự phát, chưa có điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức chuyên môn nên thư viện tư nhân Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động như: khó khăn trong việc đăng ký thành lập thư viện với địa phương, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân sự để hỗ trợ, duy trì các hoạt động của thư viện, khó khăn trong việc huy động nguồn quỹ tài chính, nguồn sách từ địa phương, cộng đồng…

Vậy làm thế nào để mô hình quản lý và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đạt hiệu quả cao hơn nữa – đó cũng chính là điều mà nhiều người “trong cuộc” băn khoăn, trăn trở. Theo ông Nguyễn Quang Thạch – người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, Nhà nước cần nghiên cứu về cấu trúc cộng đồng tại các vùng miền để đưa ra khung chính sách hợp lý, vừa kích thích các thành viên xã hội làm tủ sách, vừa dễ dàng hỗ trợ các hoạt động của các tủ sách trong các địa bàn dân cư.

Bà Trương Thị Hồng Anh – Trưởng phòng Mạng lưới thư viện, Thư viện tỉnh Hải Dương cho rằng cần hoàn thiện các văn bản pháp lý, khuyến khích hoạt động thư viện tư nhân; nâng cao nhận thức về thư viện tư nhân, trước hết là những người lãnh đạo; khen thưởng và biểu dương kịp thời những thư viện tư nhân có nhiều thành tích trong hoạt động, phục vụ lợi ích cộng đồng…

Đồng quan điểm này, ThS Bùi Xuân Đức – Giám đốc Thư viện khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đề xuất: Quản lý Nhà nước về thư viện phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thành lập thư viện; có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa cho thư viện tư nhân; quy định rõ hơn về trách nhiệm của thư viện cấp tỉnh trong việc hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, cho mượn tài liệu, luân chuyển sách cho thư viện tư nhân.

Hà Thao

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhen-nhom-niem-yeu-sach-trong-cong-dong-550978/