Nhiệm kỳ 2 của nữ Chủ tịch EC: Động lực và tương lai của Liên minh châu Âu

Bà Ursula von der Leyen được tái chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) với kỳ vọng tiếp tục góp phần xây dựng danh tiếng và ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU) trên trường quốc tế.

Bà Ursula von der Leyen được tái chỉ định làm Chủ tịch EC. (Nguồn: EP)

Bà Ursula von der Leyen được tái chỉ định làm Chủ tịch EC. (Nguồn: EP)

Danh hiệu “Alpha Woman” (người phụ nữ mạnh mẽ và thành công, đặc biệt trên cương vị lãnh đạo) dường như rất phù hợp với bà Ursula Von Der Leyen, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Với chiến thắng này, đây là nhiệm kỳ thứ hai bà Ursula Von Der Leyen giữ chức vụ này.

Theo tính toán sơ bộ từ kết quả trực tiếp của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tính đến ngày 19/6, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) của bà Ursula Von Der Leyen đã giành được 190 ghế trong tổng số 720 ghế. Điều này củng cố vị thế của bà Ursula để trở thành Chủ tịch tiếp theo của EC.

EPP ủng hộ bà Ursula cạnh tranh với 7 đảng khác, trong đó bao gồm nhóm Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ trong EP (S&D) với 136 phiếu, nhóm Đổi mới châu Âu với 80 phiếu, nhóm Đảng Xanh/Liên minh Tự do châu Âu (Greens/EFA) với 51 phiếu, nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) với 83 phiếu, nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) với 58 phiếu và nhóm Cánh tả trong EP (GUE/NGL) với 39 phiếu.

Thành tích trong quá khứ và tầm nhìn cho tương lai

Trong chiến dịch tranh cử của mình, vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã đưa ra một số tầm nhìn cho tương lai của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả tầm nhìn mà bà muốn tập trung vào việc tăng cường hội nhập kinh tế, an ninh, xã hội và khí hậu.

Tầm nhìn do bà Ursula trình bày có liên quan đến tình hình mà EU hiện đang phải đối mặt. Trong lĩnh vực hội nhập kinh tế, EU đang phải đối mặt với những căng thẳng nội bộ như: dân số, chủ nghĩa dân tộc và sự xuất hiện của các đảng phản đối việc hội nhập sâu hơn vào EU.

Trong lĩnh vực an ninh, người di cư là một vấn đề có liên quan. Các chính sách liên quan đến di cư tiếp tục gây tranh cãi bởi có những quan điểm và ý kiến khác nhau giữa các quốc gia thành viên EU. Mối quan hệ đối ngoại phức tạp với các đối tác và đối thủ toàn cầu (như Trung Quốc, Mỹ, Nga...) cũng đang làm gia tăng căng thẳng trong khối này.

Chiến thắng của bà Ursula trong cuộc bầu cử Chủ tịch EC với số phiếu bầu cao nhất được đánh giá là nhờ thành tích tốt mà bà đã thể hiện khi giữ chức Chủ tịch EC trong giai đoạn trước. Trong đó bao gồm: sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19; giảm chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia thành viên EU thông qua quản lý công bằng và toàn diện; và giúp đưa chương trình tiêm chủng của châu Âu trở thành chương trình tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới.

Nhiệm kỳ đầu làm Chủ tịch EC, bà Ursula đã thành công trong việc điều hướng các động lực chính trị nội bộ của các quốc gia có quan điểm khác nhau trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Nữ lãnh đạo này còn góp phần tăng cường đoàn kết giữa các quốc gia thành viên EU thông qua tính minh bạch, quản lý hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Năng lực của bà Ursula được phản ánh rõ nét trong việc xây dựng sự đồng thuận giữa các phe phái chính trị khác nhau ở EP. Đây là một yếu tố rất quan trọng vì tình hình chính trị của EU rất phức tạp.

Với tư cách là nữ lãnh đạo đầu tiên của EC, bà Ursula đã ủng hộ bình đẳng giới trên toàn EU bằng cách tạo cơ hội rộng rãi để mọi công dân EU có thể dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó, yếu tố nội tại cũng góp phần làm nên chiến thắng lần thứ 2 của bà Ursula khi bà nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia có ảnh hưởng nhất trong EU như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Với kỹ năng giao tiếp và đàm phán tốt, bà Ursula có thể gây ảnh hưởng đến sự ủng hộ và nhận thức của lãnh đạo và cử tri các nước thành viên EU.

Hơn nữa, bà Ursula còn góp phần khởi động chính sách “Thỏa thuận xanh châu Âu” với tham vọng đưa EU lên vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chương trình này được khởi xướng nhằm đạt được lượng khí thải trung hòa carbon, sử dụng toàn diện năng lượng tái tạo, chuyển đổi kinh tế và xã hội theo mục tiêu đến năm 2050.

Bà Ursula (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13/6 tại Italy. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine)

Bà Ursula (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13/6 tại Italy. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine)

Tác động tới EU

Việc bà Ursula được tái chỉ định làm Chủ tịch EC đã mang lại niềm vui cho nhiều người ủng hộ, phần lớn đến từ các chính đảng lớn ở châu Âu. Người ta hy vọng rằng bà sẽ tiếp nối các chính sách đã thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Cùng với đó, tính bền vững của các chính sách chiến lược chính của EU như "Thỏa thuận xanh châu Âu" sẽ có thể được hiện thực hóa tối đa để đạt được mục tiêu vào năm 2050. Chính sách này rất quan trọng bởi nó bao gồm các chính sách chiến lược có thể có tác động lớn đến EU.

Chương trình năng lượng sạch cho toàn bộ người châu Âu là một trong những chương trình hàng đầu của chính sách "Thỏa thuận xanh châu Âu". Chương trình này khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, chiến thắng của bà Ursula có ý nghĩa quan trọng để EU tiếp tục xây dựng danh tiếng và ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

Trước khi giữ chức Chủ tịch EC, bà Ursula từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức vào năm 2013. Trong giai đoạn làm Bộ trưởng Quốc phòng, bà Ursula đã thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ và mạng lưới bền chặt với các tổ chức và nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.

Nhìn một cách toàn diện, trong nhiệm kỳ Chủ tịch EC vừa qua, bà Ursula đã thành công trong việc nâng cao sự hiện diện của mình và tạo dựng được danh tiếng tốt cho các mối quan hệ hợp tác quốc tế có uy tín trên toàn thế giới.

Bà còn trở thành nhân vật chủ chốt trong các chương trình nghị sự của G7, G20 và Liên hợp quốc. Với danh tiếng đã tạo dựng được, người ta hy vọng rằng bà Ursula có thể tạo ra tác động đáng kể hơn nữa tới EU trong nhiệm kỳ tới.

Mặc dù vậy, việc bà Ursula tiếp tục làm Chủ tịch EC có thể gây ra tình trạng hỗn loạn trong chính trị nội bộ của EU, đặc biệt là các đảng không ủng hộ bà. Tình trạng hỗn loạn này cho phép sự phân cực chính trị xảy ra ở EU, nơi mà sự phân cực xảy ra giữa các phe phái chính trị trong Nghị viện châu Âu (EP) sẽ ảnh hưởng đến động lực nội bộ của liên minh này, chẳng hạn như việc đưa ra các quyết định mang tầm chiến lược.

EU là một tổ chức siêu quốc gia phức tạp, nên mọi chính sách và chương trình nghị sự của tổ chức này sẽ có tác động ảnh hưởng đến cả các khu vực bên ngoài châu Âu. Việc bà Ursula làm Chủ tịch EC lần thứ hai phần nào sẽ tác động đến các khu vực khác dù là gián tiếp.

Ví dụ như Đông Nam Á - đối tác chiến lược của EU trên nhiều lĩnh vực như thương mại, an ninh, môi trường và nhập cư. Giai đoạn điều hành sắp tới của nữ Chủ tịch EC tất nhiên sẽ mang đến những thay đổi trong cách tiếp cận của EU, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, bởi hầu hết các nước trong khu vực này đều có quan hệ thương mại với EU.

EU được biết đến là một thực thể ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và các hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Với cuộc bầu cử được tổ chức và việc bà Ursula tái đắc cử có thể củng cố vị thế của EU trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và tăng cường những hợp tác chiến lược khác.

Bà Ursula cho rằng việc trở thành một nhà lãnh đạo không phải là chuyện chỉ dành cho nam giới, mà phụ thuộc vào trách nhiệm, sự đổi mới và tính chính trực.

Việc bà Ursula Von Der Leyen thành công trong việc tái đắc cử Chủ tịch EC đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với EU. Chiến thắng của bà nhấn mạnh tính liên tục và ổn định trong vai trò lãnh đạo, điều này rất quan trọng khi EU phải đối mặt với những thách thức phức tạp trong tương lai.

Với nhiệm vụ thực hiện những chính sách nhiều tham vọng hơn, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch và tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của EU, bà Ursula sẵn sàng định hình tương lai của châu Âu.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, sự chú ý sẽ đổ dồn vào cách lãnh đạo của bà Ursula trong việc thúc đẩy sự bền vững, đổi mới và khả năng phục hồi trên khắp lục địa già, đặt ra lộ trình cho EU trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau.

(theo Modern Diplomacy)

Hoài Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhiem-ky-2-cua-nu-chu-tich-ec-dong-luc-va-tuong-lai-cua-lien-minh-chau-au-276434.html