Nhiệm kỳ đầy trách nhiệm và hiệu quả

Nhiệm kỳ 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã nỗ lực lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT), đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Ngày 19-6-2020, các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Quốc hội

Ngày 19-6-2020, các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Quốc hội

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 chương trình, chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi, 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS. Các chính sách đã tập trung giải quyết khó khăn, bức xúc của đồng bào vùng DTTS và miền núi như: Chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người DTTS nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người DTTS di cư tự phát... Bên cạnh những chính sách tác động trực tiếp đến vùng DTTS và miền núi, hiện nay, còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến khu vực này.

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, các chính sách, chủ trương kịp thời của Đảng và Nhà nước cộng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã góp phần giúp các địa phương vùng DTTS và miền núi tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt bình quân 7% và tăng dần hằng năm, cao hơn bình quân chung cả nước (6,67% năm 2016; 6,89% năm 2017; 7,56% năm 2018, trong đó có 21/52 địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt trên 8%). Đời sống của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm. Bình quân toàn vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT thông tin.

Theo số liệu từ UBDT, đến nay, vùng DTTS và miền núi 100% số huyện có đường kết nối đến trung tâm tỉnh; 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, với trên 95% km đường được cứng hóa; 100% số xã và 97,2% số thôn, bản có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% số xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế; 65,8% số xã và 76,7% số thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

Giai đoạn 2016-2020, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135; 1.052/5.266 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 106/2.139 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 27 đơn vị cấp huyện thuộc vùng DTTS và miền núi.

Mặt khác, hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS và miền núi ngày càng được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày một nâng lên. Năm 2016, cả nước có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu là người DTTS, chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%); trong đó, cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người...

Đóng góp vào những con số tích cực trên, trong nhiệm kỳ vừa qua, UBDT đã chủ trì xây dựng, sửa đổi bổ sung 38 đề án, trong đó, đã được phê duyệt, ban hành thành các chương trình, chính sách dân tộc 22 đề án; 3 đề án chính sách đang tiếp tục hoàn thiện trình trong tháng 12-2020. Trong 5 năm 2016-2020, UBDT đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Nghị quyết, 1 Nghị định, 3 Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT ban hành 8 thông tư để hướng dẫn, điều hành lĩnh vực CTDT theo chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, UBDT đã lãnh đạo thực hiện Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trình Quốc hội phê duyệt. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để thực hiện từ năm 2021.

Mặt khác, nhằm tăng cường thực hiện có hiệu quả lĩnh vực CTDT, UBDT đã ký chương trình phối hợp với 26 bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vùng DTTS và miền núi. Hiện nay, UBDT tiếp tục rà soát, tổng kết đánh giá, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình phối hợp với từng bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện hiệu quả hơn.

“Trong 5 năm vừa qua, UBDT đã chỉ đạo, tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc: Đại hội DTTS cấp tỉnh, huyện lần thứ III và Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020; Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS năm 2017; Lễ tuyên dương học sinh DTTS có thành tích xuất sắc hàng năm; đóng góp xây dựng nội dung về CTDT trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nắm bắt tình hình vùng DTTS và miền núi ngày càng sâu sát; sự phối hợp với các bộ, ngành ngày càng chặt chẽ; công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ nét; công tác thông tin, báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc; tổ chức bộ máy làm CTDT tiếp tục được hoàn thiện. Qua đó, CTDT cả nước ngày càng được quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả; vai trò, vị trí của UBDT đối với CTDT ngày càng được nâng lên” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT nhận định.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, vấn đề hợp tác quốc tế về CTDT có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. UBDT đã ký hợp tác về CTDT với 5 nước Đông Nam Á và hàng chục tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; tổ chức trao đổi đoàn, nghiên cứu học tập kinh nghiệm; giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng biên giới với các nước láng giềng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Tổ chức thành công giao lưu nhân dân quy mô quốc tế giữa 10 cặp tỉnh biên giới Việt Nam - Lào. Từ năm 2016 đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã huy động được hàng trăm tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với gần 3.000 chương trình, dự án trị giá gần 70 nghìn tỷ đồng...

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhiem-ky-day-trach-nhiem-va-hieu-qua-post437005.html