Nhiễm liên cầu khuẩn lợn do thói quen ăn thực phẩm tái, sống

Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng mới đây, tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô lại tiếp nhận điều trị các ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Phần lớn, các ca nhiễm bệnh đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các thức ăn được chế biến từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 8 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó 1 ca tử vong. Ca bệnh vừa được ghi nhận là nam bệnh nhân (34 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm). Bệnh nhân này khởi phát bệnh vào ngày 29-8 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, rối loạn ý thức, lơ mơ, tiểu không tự chủ. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy ngày 5-9 của bệnh nhân cho thấy, dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Không may mắn như trường hợp trên, sau khi ăn tiết canh để lấy may, nam bệnh nhân (27 tuổi, ở tỉnh Bắc Ninh) xuất hiện biểu hiện mệt mỏi, đau người, sốt rét run. Sáng hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, tím tái toàn thân. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết hoại tử rải rác toàn thân, tập trung nhiều vùng mặt, đầu chi. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán cho thấy, nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết - viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng, được lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm của máu…

Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Điều đáng nói là người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết thêm, bệnh liên cầu lợn thông thường sẽ gây ra 2 bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể hay gặp hơn trên nền bệnh nhân lạm dụng rượu. Riêng với những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh lý nền, tuổi cao thì bệnh càng diễn biến nặng.

Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng nguy cơ nhiễm bệnh, người dân cần chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc, tránh mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Mặt khác, không giết mổ, ăn thịt lợn bị ốm, không rõ nguồn gốc. Vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Do đó, người dân nên tuân thủ ăn chín uống sôi, không ăn thịt lợn chết, không ăn các món tái, sống, đặc biệt là tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt. Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Còn theo CDC Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ. Thậm chí, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Vì vậy, khi ăn các món ăn được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như: Tiết canh, nem chua... dễ có nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Hiện, bệnh chưa có vắc xin phòng. Do đó, tuân thủ ăn chín, uống sôi và các quy định bảo đảm an toàn khi giết mổ là vô cùng quan trọng.

Trang Thu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhiem-lien-cau-khuan-lon-do-thoi-quen-an-thuc-pham-tai-song-678419.html