Nhiễm vi khuẩn HP có liên quan đến ăn vặt?
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta chưa được chú trọng, trong khi đó HP có thể sống đến bảy ngày trong môi trường tự nhiên và dễ dàng lây qua đường phân miệng, miệng miệng.
Đó là phân tích của nhóm nghiên cứu gồm BS Đào Minh Phương, Nguyễn Đình Phương Thảo, Nguyễn Tuấn tại nghiên cứu “Khảo sát tỉ lệ nhiễm helicobacter pylori (gọi tắt là HP) và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân nội soi dạ dày tại phòng khám đa khoa Hữu Nghị (phòng khám vệ tinh của BV Hoàn Mỹ Sài Gòn)", được báo cáo trong hội nghị khoa học bệnh viện năm 2019 do BV Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức ngày 21-9.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu từ 96 bệnh nhân đến nội soi dạ dày từ tháng 3 đến tháng 7-2019 tại phòng khám. Hầu hết bệnh nhân đến khám vì có triệu chứng liên quan đến dạ dày, chiếm 88,5%, kết quả xét nghiệm có 55 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP, chiếm tỉ lệ 57%.
Tỉ lệ nhiễm HP ở nữ giới cao hơn nam giới (67,3% so với 32,7%). Tỉ lệ nhiễm HP trên nhóm bệnh nhân có tiền căn nhiễm HP và đã được điều trị dưới một năm là khá cao, 43%.
Dựa trên những số liệu, nhóm nghiên cứu phân tích theo y văn, các yếu tố nguy cơ nhiễm HP có liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội thấp, ví dụ như gia đình đông con, sống chung nhiều thế hệ, sử dụng chung giường, thiếu nước sạch.
Tuy nhiên, nghiên cứu này ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mối liên hệ giữa nhiễm HP và giới tính, cụ thể tỉ lệ nhiễm HP ở nữ giới cao hơn nam giới. Điều này có thể lý giải do nữ giới có thói quen ăn vặt ngoài đường nhiều hơn nam giới và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta chưa được chú trọng.
Trong khi đó, HP có thể sống đến bảy ngày trong môi trường tự nhiên và dễ dàng lây qua đường phân miệng, miệng miệng. Các yếu tố còn lại như tuổi, nghề nghiệp, học vấn, nơi cư trú và lý do đi khám, nhóm nghiên cứu không ghi nhận sự khác biệt giữa nhóm nhiễm và không nhiễm HP. Tỉ lệ người có tiền căn nhiễm HP và điều trị dưới một năm còn nhiễm HP khá cao, có thể do bệnh nhân tái nhiễm hoặc nhiễm HP chưa được điều trị khỏi hoàn toàn.
Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần tăng cường khuyến khích nữ giới đi kiểm tra và điều trị khi có triệu chứng liên quan đến dạ dày. Bên cạnh đó, cần thiết đẩy mạnh việc kiểm tra hiệu quả tiệt trừ HP ngay sau đợt nhiễm.
HP là vi khuẩn đã được Barry Marshall và Robin tìm ra năm 1983. Từ đó đến nay, người ta đã thấy có mối liên hệ mật thiết giữa vi khuẩn này và các bệnh lý dạ dày. HP tồn tại trong dạ dày nhiều năm hoặc nhiều thập niên và có thể gây bệnh phụ thuộc vào độc lực của vi khuẩn, đáp ứng miễn dịch của ký chủ và các yếu tố từ môi trường.
Các bệnh lý này có thể là viêm teo dạ dày, loét dạ dày, loét tá tràng, u lympho trong dạ dày và ung thư dạ dày. Hơn một nửa dân số trên thế giới bị nhiễm HP và thường mắc phải khi còn nhỏ. Tần suất nhiễm HP ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/nhiem-vi-khuan-hp-co-lien-quan-den-an-vat-859617.html