Nhiệm vụ, giải pháp tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Trích tham luận của đồng chí Mai Nhữ Thắng, đại biểu Đảng bộ huyện Triệu Sơn tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1986) nhà nước ta đã tổ chức giao đất, giao khoán sản lượng cho hộ gia đình sản xuất trong lĩnh vự nông nghiệp. Đến năm 2008, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 đã Quyết nghị: “Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai; công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 và lần thứ 12 của Đảng đã tiếp tục khẳng định: “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp từ rất sớm. Năm 1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 13/CT-TU về thực hiện cuộc vận động đổi điền, dồn thửa, theo đó đã có nhiều chương trình kế hoạch được ban hành triển khai trong lĩnh vực này, nhất là gần đây, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh ta đã tập trung và ban hành nhiều chương trình, đề án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó có đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp đi kèm với hệ thống các chính sách để thực hiện” và Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành vào ngày 11/01/2019.
Với mục tiêu của Nghị quyết xác định rất cụ thể, đó là: Tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững. Kết quả đã hình thành nhiều mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần. Quan trọng hơn là đã tổ chức lại qun hệ sản xuất trong nông nghiệp, từ đó có sự phân công lại lao động và thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, phân tán từ truyền thống sang hướng sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, gắn kết với thị trường.
Xác định được mục tiêu, ý nghĩa tầm quan trọng của Nghị quyết số 13, Huyện Triệu Sơn đã quán triệt sâu sắc đến các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở những nội dung của nghị quyết, trong đó xác định: Tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, nhờ có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, cơ chế hỗ trợ của huyện mà việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã có những kết quả rất đáng mừng. Đã tích tụ tập trung được 676 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có nhiều mô hình điển hình như: Sản xuất lúa tại xã Đồng Tiến với 35 ha, xã An Nông với 20 ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 lần; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây dược liệu và cây ăn quả tại xã Thái Hòa và xã Khuyến Nông với diện tích 50 ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với trồng lúa; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa, cây cảnh tại xã Hợp Lý với 50 ha, trồng dưa ứng dụng công nghệ cao tại xã Minh Sơn, Vân Sơn có hiệu quả kinh tế cao gấp 8- 10 lần so với trồng lúa,..
Tuy kết quả thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn huyện Triệu Sơn bước đầu đã đạt được kết quả nhất định; song qua quá trình tổ chức triển khai thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân với tâm lý giữ đất, lo mất đất, đây là một trong những rào cản lớn trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả để xây dựng thành công nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta, thiết nghĩ cần thực hiện:
Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của các cấp ủy các cấp trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa cốt lõi của việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn; qua đó làm cho người dân tự thay đổi tâm lý giữ đất, dự phòng quỹ đất. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và đông đảo nhân dân trong việc thống nhất, thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai. Phấn đấu diện tích đất nông nghiệp được tích tụ tập trung trên địa bàn toàn tỉnh để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 tăng thêm 32.000 ha.
Giải pháp này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, thấm nhuần đến cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân và trở thành phong trào rộng khắp; kết hợp với đó là nêu gương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, tổ chức tham quan, học tập những mô hình, cách làm hay; đồng thời có những quy định, xứ lý những sai trái, tiêu cực, chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện.
Hai là: Tiếp tục hoàn thiện và có cơ chế chính sách của tỉnh đủ mạnh, tạo bước đột phá trong tích tụ đất đai để tổ chức lại sản xuất theo hướng lợi thế tuyệt đối của từng vùng, từng địa phương, xây dựng thành công nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn với chương trình OCOP và nhiều huyện đạt tiếu chí Nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố và 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp ổn định lâu dài, có như vậy người lao động mới mạnh dạn cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất; đồng thời, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp theo hướng người lao động có khả năng đầu tư, thực hiện trên lĩnh vực gì thì đào tạo lĩnh vực ấy, sau đào tạo phải có đánh giá cụ thể kết quả và khả năng ứng dụng trên chính quỹ đất của mình được giao hoặc được thuê để phát triển sản xuất.
Bốn là: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chương trình đầu tư, cải tạo hạ tầng sản xuất ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để tạo điều kiện ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trọng tâm là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, các cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Năm là: Tập trung đẩy mạnh chương trình xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng cơ sở và liên kết sản xuất với nông dân, mỗi một địa phương, một lĩnh vực cần phải chuẩn bị sẵn sàng các dự án kêu gọi đầu tư để tiếp cận, mời gọi doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất. Đồng thời, nâng cao vai trò, năng lực trong quản lý, quản trị, tổ chức sản xuất của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các tổ hợp tác với tư cách, sứ mệnh là trọng tài, là người đỡ đầu cho người nông dân; mạnh dạn giao đất, hình thành quỹ đất sản xuất cho các Hợp tác xã.
Với thời cơ vận hội mới, với hệ thống các quy định được thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, với thực tiễn phong phú và quyết tâm chính trị cao, chắc chắn việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó có huyện Triệu Sơn trong những năm tiếp theo sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.