Nhiên liệu điện tử gây tranh cãi tại châu Âu

Vấn đề về sử dụng nhiên liệu điện tử trong tương lai đang tạo ra luồng tranh cãi trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), khi Đức đã tuyên bố phản đối vào phút chót đối với luật mang tính bước ngoặt của EU nhằm chấm dứt việc bán ô tô thải khí CO2 vào năm 2035, và yêu cầu cho phép bán ô tô mới có động cơ đốt trong sau thời điểm đó nếu chúng chạy bằng nhiên liệu điện tử.

Nhiên liệu điện tử được coi là một nỗ lực của EU trong việc thực hiện mục tiêu khí hậu. Ảnh: Reuters.

Nhiên liệu điện tử được coi là một nỗ lực của EU trong việc thực hiện mục tiêu khí hậu. Ảnh: Reuters.

Nhiêu liệu điện tử là gì?

Trong khi đó luật mới của EU đưa ra yêu cầu tất cả các ô tô mới được bán từ năm 2035 phải có lượng khí thải CO2 bằng 0, khiến việc bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới là điều không thể.

Nhiên liệu điện tử được sản xuất bằng cách sử dụng carbon dioxide, hoặc carbon monoxide bị thu giữ, cùng với hydro thu được từ các nguồn điện “sạch” bền vững như gió, năng lượng mặt trời và điện hạt nhân. Quá trình sử dụng carbon dioxide trong sản xuất và thải ra một lượng carbon dioxide tương đương vào không khí khi nhiên liệu được đốt cháy, để tạo ra tổng lượng khí thải carbon thấp. Do đó, nhiên liệu điện tử được cho là một lựa chọn để giảm phát thải khí nhà kính từ vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa đường dài, đường biển, đường hàng không.

Trước câu chuyện của nhiên liệu điện tử (e- fuel), Đức và Italy muốn có sự đảm bảo rõ ràng hơn từ EU rằng doanh số bán ô tô ICE mới có thể tiếp tục sau năm 2035, nếu chúng chạy bằng nhiên liệu trung tính CO2.

Nhiên liệu điện tử cũng như dầu hỏa điện tử, e-methane hoặc e-methanol, được tạo ra bằng cách tổng hợp lượng khí thải CO2 thu được và hydro được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo hoặc không có CO2.

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đang đặt cược vào phương tiện chạy bằng pin - một công nghệ đã được phổ biến rộng rãi - như là con đường chính để cắt giảm lượng khí thải CO2 – đối với ô tô chở khách. Nhưng các nhà cung cấp và các công ty dầu mỏ bảo vệ nhiên liệu điện tử, cũng như một số nhà sản xuất ô tô không muốn xe của họ bị đè bởi pin nặng.

Nhiên liệu điện tử chưa được sản xuất ở quy mô lớn. Nhà máy thương mại đầu tiên trên thế giới sản xuất nhiên liệu này được mở tại Chile vào năm 2021 đặt mục tiêu sản xuất 550 triệu lít/năm. Một nhà máy khác đã được lên kế hoạch có Norsk e-Fuel của Na Uy, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024, tập trung vào nhiên liệu hàng không.

Nhiên liệu điện tử có thể được sử dụng trong các phương tiện ICE ngày nay và được vận chuyển qua mạng lưới hậu cần nhiên liệu hóa thạch hiện có, đây là một tin tốt cho các nhà sản xuất linh kiện ICE và các công ty vận chuyển xăng và dầu diesel.

Những người ủng hộ cho rằng, nhiên liệu điện tử cung cấp một lộ trình để cắt giảm lượng khí thải CO2 của đội xe chở khách mà không cần thay thế mọi phương tiện bằng xe điện.

Trong khi đó, người phản đối thì nêu quan điểm, việc sản xuất nhiên liệu điện tử rất tốn kém và tốn nhiều năng lượng. Theo một bài báo năm 2021 trên tạp chí Nature Climate Change, việc sử dụng nhiên liệu điện tử trong ô tô ICE cần lượng điện tái tạo cao hơn khoảng 5 lần so với ô tô chạy bằng pin.

Chưa thống nhất trong nội bộ EU

Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng về luật liên quan việc chấm dứt bán ô tô thải khí CO2 của EU, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đức Volker Wissing đã đặt câu hỏi về sự ủng hộ của Đức đối với luật này. Điều này đã khiến một trong những chính sách cốt lõi về biến đổi khí hậu của châu Âu bị đình trệ.

Bộ trưởng Wissing cho biết, việc sử dụng nhiên liệu điện tử vẫn có thể thực hiện được sau năm 2035, nhưng một đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) về vấn đề này vẫn chưa được đưa ra. Đáp lại, EC đã soạn thảo một đề xuất, cho phép các nhà sản xuất đăng ký ô tô mới ở EU chỉ có thể chạy bằng nhiên liệu điện tử trung tính với khí hậu. Đó có thể là bước đầu tiên hướng tới việc cho phép bán chúng sau năm 2035.

Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch thì lo ngại, liệu phương tiện có thể xác định được nó đang vận hành bằng nhiên liệu điện tử thuần túy hay hỗn hợp với nhiên liệu hóa thạch, vì nhiên liệu điện tử có các đặc tính rất giống với nhiên liệu hóa thạch mà chúng được thiết kế để thay thế.

Tuy nhiên, một quan chức EU nói với Reuters rằng, bất kỳ đề xuất mới nào về đăng ký ô tô sử dụng nhiên liệu điện tử sẽ chỉ được thực hiện sau khi luật loại bỏ động cơ đốt trong cuối cùng được tất cả các nước thông qua.

Dù chính sách mới vẫn đang gây tranh cãi thì cho đến nay, các nhà cung cấp linh kiện ô tô lớn ở Đức như Bosch, ZF và Mahle, cũng như các công ty dầu khí lớn từ ExxonMobil đến Repsol đều là thành viên của Liên minh nhiên liệu điện tử, một nhóm vận động hành lang trong ngành.

Các nhà sản xuất ô tô như Piech, Porsche và Mazda rất ủng hộ công nghệ này. Porsche hiện đang nắm giữ cổ phần của nhà sản xuất nhiên liệu điện tử HIF Global. BMW đã đầu tư 12,5 triệu USD vào công ty khởi nghiệp nhiên liệu điện tử Prometheus Fuels, đồng thời đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ pin điện.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô khác như Volkswagen và Mercedes-Benz đang đặt cược vào các phương tiện chạy bằng pin để khử carbon. Volvo và Ford trong tuần này đã kêu gọi các nước EU không quay trở lại với việc loại bỏ dần các loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới vào năm 2035.

Một quan chức chính phủ Đức cho biết, kế hoạch cấm động cơ đốt trong của EU từ năm 2035 không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra, nhưng các cuộc đàm phán giữa EC và Berlin về những khác biệt của họ đối với kế hoạch là "rất mang tính xây dựng".

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhien-lieu-dien-tu-gay-tranh-cai-tai-chau-au-5713078.html