Nhiếp ảnh gia Nick Út hồi phục sau vụ bị tấn công bên ngoài Nhà Trắng
Hôm 15-1, nhiếp ảnh gia Nick Út nổi tiếng với bức ảnh Em bé Napalm chia sẻ việc bị một gã nghiện tấn công bên ngoài Nhà Trắng, khiến ông bị thương.
Trong một thông điệp chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, nhiếp ảnh gia Nick Út viết: "Hôm qua là một ngày tuyệt vời khi nhận Huân chương Nghệ thuật tại Nhà Trắng. Hôm nay, đi ăn tối với bạn tôi @MarkEdwardHarrisPhoto và @davidburnettfoto. Lúc ở bên ngoài Nhà Trắng, chúng tôi bị một gã nghiện trẻ tuổi tấn công. Hắn đánh ngã tôi và khiến tôi bị thương ở xương sườn, lưng và chân trái. Đó là cái chân bị găm mảnh đạn cối trong chiến tranh. Chiếc máy ảnh Leica của tôi cũng bị đập bể. Do Mark tập võ nên đứng ra bảo vệ tôi. Sau đó, Mật vụ Mỹ nhanh chóng can thiệp".
Trưa 15-1, nhiếp ảnh gia Nick Út đăng tải các bức ảnh chụp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi nhận Huân chương Nghệ thuật tại Nhà Trắng lên Facebook. Ông viết kèm dòng chú thích: "Nick Út với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 13-1-2021. Ảnh: Nhà Trắng".
Theo lời Nick Út, dù được cảnh sát Mỹ đề nghị đưa vào cấp cứu bệnh viện nhưng ông từ chối do lượng người bị Covid-19 khá đông. Hiện ông đang được săn sóc ở nhà và đã tỉnh táo trở lại.
Tên tuổi nhiếp ảnh gia Nick Út gắn liền với bức ảnh "Em bé Napalm". Ông từng nhận giải thưởng cao quý Pulitzer năm 1972. Bức ảnh chụp bé gái Kim Phúc, 9 tuổi, trần truồng vừa chạy vừa kêu cứu từ một ngôi làng vừa bị máy bay Mỹ ném bom napalm ở Tây Ninh đã góp phần thay đổi cách nhìn của thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Nick Út chụp bức ảnh này lúc 21 tuổi vào ngày 8-6-1972. Ông kể rằng mình đã bật khóc khi trông thấy Phúc chạy lại từ xa.
Nick Út sinh ngày 29-3-1951, tên khai sinh là Huỳnh Công Út, quê quán tại tỉnh Long An. Ông bắt đầu làm phóng viên ảnh đại diện cho hãng tin AP tại Việt Nam vào những năm 1967. Ông về hưu vào cuối tháng 3-2017. Anh trai của ông cũng từng là phóng viên chiến trường của AP nhưng mất sớm trong lúc tác nghiệp.