Nhiếp ảnh gia Nick Út: Nặng tình với quê hương
'Em bé Nepalm' của nhiếp ảnh gia Nick Út đã trở thành một trong những bức ảnh góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng cảm xúc sau khoảnh khắc bấm máy đó vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông. Hơn 50 năm nhìn lại, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, Nick Út giờ đây dành phần lớn thời gian để chụp ảnh quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ký ức về bức ảnh còn mãi với thời gian
Theo dõi trang Facebook của ông từ lâu, được biết Nick Út về Việt Nam từ cuối năm 2022 để tổ chức triển lãm và gặp lại nhân vật trong bức ảnh năm xưa - bà Nguyễn Thị Kim Phúc, tôi mong một ngày được gặp Nick Út để trực tiếp hỏi ông nhiều hơn về khoảnh khắc của bức ảnh “Em bé Nepalm”. Tình cờ, tại Hội báo Toàn quốc 2023 ở Bảo tàng Hà Nội, tôi đã may mắn gặp được ông. Dáng người dong dỏng cao, gương mặt vui tươi, phúc hậu, đôi lông mày như một vị tướng là điểm nhấn đặc biệt khiến tôi ấn tượng ngay lần đầu được gặp trực tiếp nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út.
Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và đông con: 10 trai và 1 gái. Nối tiếp sự nghiệp phóng viên ảnh của anh trai, năm 1966, ông được hãng thông tấn AP (Hoa Kỳ) đào tạo để làm nghề. Bắt đầu từ công việc trong buồng tối, rồi buồng sáng đến việc tập sử dụng thành thạo các loại máy ảnh, ông bắt đầu ra nhập chiến trường để chụp lại những bức ảnh báo chí đắt giá.
Trong hơn 50 năm làm báo, Nick Út sở hữu cho mình một kho ảnh lớn với những bức ảnh lưu giữ thời gian. Từ một phóng viên chiến trường trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, cho tới một trong những tay paparazzi thiện chiến ở Hollywood, ông luôn say mê với những khoảnh khắc đặc biệt của những con người đặc biệt.
“Em bé Nepalm” là một trong những bức ảnh đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp phóng viên của ông. Bức ảnh được chụp vào năm 1972. 12 giờ trưa ngày 8/6, bom Mỹ từ trên máy bay dội vào một làng nhỏ ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Lửa cháy rừng rực thiêu hủy hết nhà cửa, cây cối. Một toán trẻ con tỏa ra, chạy trên quốc lộ 1 kêu cứu. Theo phản xạ, Nick Út sẵn chiếc máy Leica M2 trong tay, ông bấm và bấm, thu hình các em bé đang chạy, miệng méo xệch kêu khóc thảm thiết. Đó là khoảnh khắc ra đời của bức ảnh góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam.
Trải qua thời gian hơn nửa thế kỷ, “Em bé Nepalm” vẫn còn nguyên giá trị của nó. Mỗi khi nhìn vào bức ảnh đó, tôi vẫn luôn cảm thấy văng vẳng bên tai tiếng gào thét của những đứa trẻ. Còn với Nick Út, bức ảnh đó đến nay vẫn khiến cho ông có cảm giác sợ hãi và không muốn nhắc đến hai từ chiến tranh. “Nỗi ám ảnh nhất của tôi chính là tiếng khóc lóc và sự trần trụi của những đứa trẻ hôm đó, trong đó có cô bé Kim Phúc - nhân vật chính của bức ảnh. Trong bom rơi đạn nổ, trên tay cầm chiếc máy ảnh, tôi cố gắng ghi lại những khoảnh khắc diễn ra trước mắt mình, một cảnh tượng hết sức kinh hoàng”, Nick Út nhớ lại.
52 năm gắn bó với sự nghiệp nhiếp ảnh báo chí, năm 2017, Nick Út về hưu với tâm thế của một nhiếp ảnh gia tự do, đến những nơi ông thích, chụp những bức ảnh lắng lại trong chính tâm hồn mình. Nick Út chia sẻ, điều ông thấy hạnh phúc nhất sau khi nghỉ hưu là thực hiện được chuyến hồi hương dài về Việt Nam để tham gia hành trình xuyên Việt, chụp lại những bức ảnh về con người và vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước Việt Nam thân yêu.
Trở về để quảng bá
Hỏi Nick Út về sự lựa chọn có vẻ như sẽ tốn của ông khá nhiều sức lực, thời gian và cả tiền bạc để thực hiện chuyến xuyên Việt, ông mỉm cười: “Tôi vốn định cư ở Mỹ nhưng khi sắp xếp được công việc, thời gian là tôi muốn trở về Việt Nam.
Tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong tôi trước sau như một, không thay đổi. Ngày xưa tôi chụp ảnh chiến tranh, bây giờ tôi chụp ảnh để quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tôi vui và tự hào vì những bức ảnh của tôi dù trong thời kỳ nào cũng giúp ích cho đất nước mình, quê hương mình và truyền thông điệp tích cực đến cộng đồng, xã hội”.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út từng đạt giải thưởng danh giá Pulizer (Mỹ) năm 1973 với bức ảnh “Em bé Nepalm”. Năm 2014, ông được vinh danh tại lễ trao giải Lucie Award giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh những bậc thầy về nhiếp ảnh báo chí thế giới với bức “Em bé Nepalm”. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX do Đại học Columbia bình chọn.
Hành trình xuyên Việt của Nick Út bắt đầu từ tháng 3/2022 với điểm xuất phát là TPHCM. Từ đây ông tham gia một số chuyến đi khám phá vùng núi phía Bắc. Để thực hiện chuyến đi, ông chuẩn bị sức khỏe kỹ càng. Ngay từ những ngày vừa về hưu, ông rèn cho mình thói quen thức dậy vào 5h mỗi sáng, tới các phòng tập để rèn luyện sức dẻo dai. Khi về Việt Nam, ông duy trì thói quen bằng cách đi bộ.
Chuyến đi tới vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn của ông không giống tour du lịch thông thường. Ông cùng nhóm bạn đi trên một chiếc xe ô tô nhỏ vừa đủ cho 4 người. Sau xe có đủ nồi niêu, bát đũa.
Xe dừng ở đâu, bếp dựng ở đấy. Đôi khi, đoàn của ông cắm trại trên một ngọn đồi cao, ngắm cảnh hoàng hôn miền trung du. Ông tìm hiểu sinh hoạt của người dân vùng cao, ghi lại hình ảnh lao động của họ bên những dụng cụ đơn sơ như cái cuốc, cái xẻng, hay chiếc gùi… Điều làm ông thích thú là trong tất cả những hoạt động đó, họ luôn nở nụ cười.
Tháng 10/2022, Nick Út ở lại Hà Nội trong khoảng thời gian dài. Trong tiết thu vàng ruộm cùng những loài hoa đầy sắc màu rực rỡ, Nick Út kể lại ông đã cùng vài người bạn “lên phố” vào lúc 5h sáng. Ở bờ Hồ Gươm, ba bốn tốp người già đang cùng nhau tập dưỡng sinh với những chiếc quạt xanh đỏ trên nền nhạc nhẹ nhàng. Dưới đường, nhiều người trẻ chạy bộ. Với ông đó là không gian mà không nơi đâu có được ngoài Hà Nội.
Tôi hỏi tại sao ông lại thích chụp ảnh ở Hồ Gươm đến vậy, Nick Út cười nói: “Tôi sinh ra ở Sài Gòn nhưng lòng lại yêu Hà Nội. Hà Nội đối với tôi mới mẻ và tươi mát từng ngày nên tôi yêu thành phố này đến từng hơi thở, vì thế mà hồ Gươm là nơi tôi thường hay lui đến để chụp người Hà Nội”.
Theo lăng kính của Nick Út thì từ con người đến cảnh vật, nói đơn giản chỉ riêng chụp ảnh Hồ Gươm, đứng ở những góc độ khác nhau là chụp vào những khoảng thời gian khác nhau cũng đã cho ra những bức ảnh đặc biệt, không lẫn vào đâu được.
“Tôi thích chụp ảnh Hồ Gươm trong những buổi sớm sương mù còn giăng kín. Lúc ấy, đường phố vẫn chưa có nhiều xe cộ, chỉ có những người đi tập thể dục vào sáng sớm. Con người và nếp sống của người Hà Nội xưa vẫn không hề mai một. Hơn hết, tôi tìm thấy sự yên bình trong từng góc nhỏ của đường phố Hà Nội. Dẫu trải qua bom đạn nhưng đất và người nơi đây vẫn hiền hòa, tử tế làm tôi đi xa lại muốn trở về”, Nick Út chia sẻ.
Ông khoe trong điện thoại của mình toàn là hình ảnh của người dân Thủ đô trong những góc rất đời thường, từ nhóm bạn bè vui vẻ ngồi bên nhau cùng ly cà phê sáng, nhóm người cao tuổi tập dân vũ, hay một món ăn nào đó rất đặc trưng của Hà thành xưa như gói cốm non, chiếc bánh rán bọc đường be bé, một bát cháo đậu phụ tẩm hành…
Ở tuổi 72, Nick Út vẫn say mê chụp ảnh. Nhiếp ảnh mà ông theo đuổi cả đời là sự thật không dàn xếp, là khoảnh khắc chỉ diễn ra trong tích tắc mà người chụp ảnh phải bắt được. Dù là trong quá khứ chiến tranh hay hiện tại hòa bình, nhiếp ảnh với ông lúc nào cũng phải nói lên được sự trung thực, tính chân thật, để chuyển tải được thông điệp và lưu giữ được những tư liệu quý của cuộc sống.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhiep-anh-gia-nick-ut-nang-tinh-voi-que-huong-5716388.html