Nhiếp ảnh và tiếng nói của hòa bình

Hà Nội có nhiều góc phố rêu phong với đẹp bình dị đã được khắc ghi bằng những bức ảnh tuyệt đẹp, góp phần 'nói' về một thành phố hòa bình, thân yêu. Nhiều bộ ảnh đã tham gia các cuộc triển lãm hay xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài. Thành công ấy là của sự quan sát tinh tế, sự dấn thân hết mình của các nghệ sĩ.

Đánh thức vẻ đẹp giản dị

Hà Nội là đề tài vô cùng phong phú cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh khai thác. Nhiều tên tuổi đã gắn bó với Thủ đô yêu dấu như Quang Phùng, Nguyễn Hữu Bảo, Lê Vượng, Đặng Đình An, Hà Hồng, Giang Trịnh… Bằng tài năng, cái nhìn nhạy cảm, các nhiếp ảnh gia đã đánh thức những vẻ đẹp rất đỗi bình dị của Hà Nội, lưu dấu những câu chuyện đến muôn sau.

Nhiều năm qua, nhắc đến Quang Phùng là nhắc đến một nghệ sĩ nhiếp ảnh của phố phường Hà Nội. Hình ảnh phố phường, với những sinh hoạt thường ngày, khi thì gồ ghề, góc cạnh, lúc khác lại trữ tình say đắm. Khi là một cô bán chiếu duyên duyên, một gánh hàng hoa đậm chất thơ và sự bình dị. Khi là một thân phận người già còm cõi đang lạc lõng ở chốn phồn hoa đô hội. Nói chung, ảnh của ông đa dạng, đầy màu sắc, ghi lại được những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng. Hàng nghìn bức ảnh của ông, kèm với những câu chuyện về hoàn cảnh ra đời là những tư liệu rất quý báu. Nhiếp ảnh với ông như một thứ đạo, là tôn trọng sự thật. Bởi vì ông chụp “bằng được” chứ không bao giờ chụp “lấy được”. Ông cho rằng, giá trị của một bức ảnh cũng như một nhà nhiếp ảnh chính là ở tác động xã hội của nó.

Quang Phùng sinh năm 1932 tại Hà Đông, là con của một viên quan đầu tỉnh với một người con gái đẹp của Hà Nội xưa. Ông thần tượng cha của mình bởi cốt cách Nho giáo và tinh thần chống thực dân. Quang Phùng mê ảnh từ năm 1954. Đến năm 1955 ông đã có bộ ảnh đầu tiên về Ngày giải phóng Thủ đô.

Với những người làm nghề, thì Quang Phùng là người có gan dấn thân. Biết bao nhiêu nhân vật ông đã gặp, đã trò chuyện, đã tiếp xúc, và nhiều người trong số đó ông thuộc cả quê quán, tên tuổi, nơi thường trú. Ông không chỉ chụp ảnh như một cách ghi lại chân dung, mà còn làm bật thân phận của nhân vật ở mỗi góc nhìn. Và phải hiểu nhân vật lắm mới chụp được như vậy.

Cũng yêu Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đã vinh dự được nhận giải thưởng Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 10 (năm 2017). Sinh năm 1952, sống tại 48 Hàng Đào (Hà Nội), Nguyễn Hữu Bảo đã dành gần như cả đời để kể chuyện về Hà Nội bằng ảnh đen trắng. Ảnh của ông giàu chất suy tư, thâm trầm, hóm hỉnh. Cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” (NXB Thế giới, 2016) gồm 200 trang với 198 bức ảnh về Hà Nội giai đoạn từ 1978 đến 2015, được các nhà chuyên môn đánh giá là một tập truyện. Thậm chí, rất nhiều “truyện” trong đó lại bao hàm nhiều câu chuyện nhỏ khác.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo từng tâm sự: “Tôi chụp Hà Nội như là một cảm xúc tự tại, chứ không phải một công việc hay nhu cầu. Nó giống như hơi thở của tôi vậy. Vậy nên khi ra ngoài đường tôi luôn có trong tay chiếc máy ảnh, đi đâu chơi cũng mang máy ảnh”. Không chủ đích trở thành nhiếp ảnh gia, nhưng các giải thưởng nhiếp ảnh đã “chọn” ông, từ đó Nguyễn Hữu Bảo đã ý thức sâu sắc hơn về công việc cũng như đề tài mình đã chọn.

Tạo ra những sân chơi văn hóa

Thời gian qua, tại Hà Nội, các cơ quan, hội nghề nghiệp đã liên tục phát động những cuộc thi ảnh, nhằm tạo sân chơi cho giới nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôn vinh những tài năng nhiếp ảnh và tác phẩm đẹp về thành phố. Ông Đặng Đình An - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Trong 8 năm qua, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức 32 cuộc thi và triển lãm. Các cuộc thi đã mang tới động lực sáng tác, say mê nhiếp ảnh ở các nghệ sĩ nhiếp ảnh và các nhà nhiếp ảnh nói chung”. Nhiều bộ sưu tập đã được triển lãm, in sách, góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu ảnh của thành phố.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế “Tự hào Hà Nội”, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). Thông qua những tác phẩm của các tác giả gửi về, sẽ chọn làm triển lãm, trao giải, giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế một bức tranh toàn cảnh về lịch sử, văn hóa và con người Thủ đô, góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu ảnh của thành phố.

Ngoài các cuộc thi, không ít nhiếp ảnh gia nước ngoài cũng đã đến tôn vinh Hà Nội. Nhiều bạn trẻ yêu Hà Nội cũng đã có những dự án chụp ảnh để giới thiệu đến du khách quốc tế về vẻ đẹp Hà thành qua ảnh. Đó là Trần Quang Tuấn, tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực nhưng thích chụp ảnh, đam mê hoạt động cộng đồng. Năm 2014, Tuấn cùng 6 người bạn xây lên những viên gạch đầu tiên của dự án “Humans of Hà Nội”. Bằng những chiếc máy ảnh, Tuấn và nhóm những người bạn của “Humans of Hà Nội” đã đưa lên trang cá nhân nhiều hình ảnh về Hà Nội ở những góc khuất nhất, sâu thẳm và khá khác biệt.

“Nhóm của tôi mong ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống, con người đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội hoặc chỉ ghé qua. Đằng sau mỗi người là một câu chuyện khác nhau, và những người kể chuyện chúng tôi mong rằng những con chữ và tấm ảnh giản dị sẽ giúp người khác dễ dàng phá bỏ bức tường vô hình ngăn cách giữa chúng ta”, Trần Quang Tuấn tâm sự.

Phải khẳng định, Hà Nội luôn là thiên đường cho những bức ảnh. Tôi không biết sau này Hà Nội có còn những gánh hàng rong với đòn gánh trên vai trĩu trịt hay không. Nhưng chắc chắn, chúng ta sẽ tìm thấy chúng trong các tác phẩm của nhiều nhiếp ảnh gia.

Ngày 13/7/2019, Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Suốt 20 năm qua, chính quyền và người dân Thủ đô đã nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa. Đó vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Văn hóa Hà Nội từng ngày tiếp biến, bảo lưu những giá trị. Một phần lớn lịch sử và văn hóa Hà Nội cũng sẽ được bảo lưu bằng những bức ảnh biết nói, có hồn cốt và những câu chuyện để thành phố hòa bình không chỉ là địa chỉ người dân trong nước mà cả du khách nước ngoài đến tìm hiểu, khám phá.

Nguyễn Văn Học

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhiep-anh-va-tieng-noi-cua-hoa-binh-90106.html