Nhiệt điện Nghi Sơn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (TX Nghi Sơn, Thanh Hóa) nâng cao hiệu quả công việc nhờ ứng dụng chuyển đổi số vào công tác điều hành, sản xuất.
Đào tạo kỹ thuật thông qua phần mềm
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như: cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, điều hành nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Xác định được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” với mục tiêu hướng đến các hoạt động của EVN được số hóa.
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Đơn vị đã kịp thời thích ứng và đưa vào áp dụng các ứng dụng của chuyển đổi số như: Đào tạo và tự học thông qua phần mềm Elearning; đồng bộ hóa thông tin lên phần mềm quản lý kỹ thuật đến từng bộ phận trong công ty.
Việc áp dụng hệ thống E-learning trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) sẽ giúp cho EVN, EVNGENCO1 và các đơn vị thành viên thay đổi mạnh mẽ quá trình tự học do khả năng cá nhân hóa cũng như đáp ứng hiệu quả các hoạt động học tập của người học.
Bên cạnh đó, hệ thống E-learning còn giúp cho EVN, EVNGENCO1 quản lý, nắm bắt được quá trình học tập, nhu cầu đào tạo và kết quả đào tạo của từng CBCNV hiệu quả và mang tính định lượng tốt hơn.
Hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning được triển khai thực hiện trên các thiết bị máy tính, máy tính bảng, hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet. Giúp các học viên chủ động về thời gian tham gia các khóa học ở mọi lúc mọi nơi.
Giáo viên có thể chuyển tải kiến thức đến học viên với số lượng không giới hạn trong thời gian ngắn, giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hiện tại, tất cả các phòng, phân xưởng trong Công ty đều chủ động thực hiện xây dựng bài giảng trên phần mềm, với mục tiêu phổ cập kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm đến từng CBCNV nhằm nâng cao hiệu quả lao động.
Doanh nghiệp này hướng tới mục tiêu trong năm 2024 là mỗi phòng, phân xưởng có ít nhất ba bài giảng mới để thực hiện đào tạo, kiểm tra năng lực CBCNV trong Công ty.
Ứng dụng trong công tác bảo dưỡng sửa chữa
Với tính chất đặc thù, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn có số lượng thiết bị rất nhiều, việc sửa chữa sự cố đột xuất hoặc bảo dưỡng theo định kỳ được thực hiện thường xuyên.
Để đáp ứng được tiến độ sửa chữa một cách nhanh chóng, Công ty đã giao cho các đơn vị sửa chữa phải tìm cách áp dụng các ứng dụng mới khoa học kỹ thuật vào sửa chữa thiết bị.
Trong quá trình sửa chữa thiết bị quay, đơn vị sửa chữa cũng từng bước thay đổi từ các phương pháp truyền thống sang ứng dụng công nghệ laser tự động tính toán hiệu chỉnh.
Với sự hỗ trợ của thiết bị cân chỉnh trục bằng laser SKF TKSA 80V2 giúp công tác bảo dưỡng sửa chữa thực hiện nhanh với tính chính xác cao.
Đối với việc sửa chữa các thiết bị lớn, Công ty cũng đã đề xuất và đưa vào sử dụng các thiết bị hỗ trợ như bộ nhân lực, các súng bắn bulong nhằm tiết kiệm sức người và thời gian, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, kịp thời hoàn thành đưa các thiết bị quan trọng như máy nghiền, bơm cấp… vào làm việc đảm bảo công suất tổ máy.
Việc nhanh chóng cập nhật và áp dụng các phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ mới, kết hợp với ứng dụng thủ tục sửa chữa trên nền tảng số giúp Công ty rút ngắn thời gian sửa chữa, giảm nhân công, tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng sửa chữa bảo dưỡng.
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn cũng thực hiện cập nhật đồng bộ hóa thông số kỹ thuật lên phần mềm “ Hệ thống quản lý kỹ thuật” và áp dụng rộng rãi trong công tác lập vật tư sửa chữa lớn.
Ngoài ra, phần mềm còn giúp người sử dụng tra cứu nhanh các thông số vật tư thiết bị để kịp thời đề xuất khi thiết bị có sự cố.
Với những ứng dụng chuyển đổi số trong công tác điều hành sản xuất, Nhiệt điện Nghi Sơn tin tưởng rằng nhà máy sẽ vận hành an toàn, ổn định, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng điện cho sự phát triển của vùng kinh tế “Nam Thanh, Bắc Nghệ”. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp số.