Nhiệt tình săn sale 12/12

Liên tiếp diễn ra các chương trình giảm giá những tháng cuối năm, nhiều bạn trẻ vẫn rất hào hứng, dành thời gian mua sắm trực tuyến.

1h ngày 12/12, Lam Giang (25 tuổi, Nghệ An) vẫn miệt mài lựa chọn và bỏ thêm sản phẩm vào giỏ hàng trên một trang thương mại điện tử, áp từng mã giảm giá.

Với cô và nhiều người chung sở thích mua sắm, 0-1h là khoảng thời gian “vàng” để săn sale hiệu quả khi các sàn bắt đầu tung ra các mặt hàng và voucher khuyến mãi.

 Trong rạng sáng 12/12, Lam Giang mua đến 27 sản phẩm.

Trong rạng sáng 12/12, Lam Giang mua đến 27 sản phẩm.

Vài ngày trước, Lam Giang đã mua sẵn 20 mã giảm giá và freeship để chuẩn bị cho ngày sale lớn cuối năm.

Cô cũng “nằm vùng” các hội, nhóm chia sẻ mã giảm giá, mẹo săn sale để nắm bí kíp mua được những sản phẩm mình cần với giá hời.

“Mình thường xuyên săn sale, đặc biệt vào các ngày giảm giá mạnh như 11/11 và Black Friday. Trung bình mỗi dịp mình sẽ tiêu khoảng 2-3 triệu đồng, chủ yếu vào quần áo và mỹ phẩm”, Giang chia sẻ cùng Zing.

Khoảng vài năm gần đây, thị trường mua sắm online trở nên sôi động hơn. Riêng năm 2021, nhiều sàn thương mại điện tử liên tục tung ra các đợt sale lớn vào các ngày như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12, Black Friday... Các chương trình giảm giá Flash Sale, Freeship, 50%, đồng giá... cũng xuất hiện dày đặc để thu hút người mua.

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho đến nay, hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.

 Liên tiếp diễn ra các chương trình giảm giá những tháng cuối năm như 11/11, 12/12, Black Friday.

Liên tiếp diễn ra các chương trình giảm giá những tháng cuối năm như 11/11, 12/12, Black Friday.

Nhiệt tình với ngày hội giảm giá

Lam Giang cho biết dù có nhiều đợt sale lớn hàng tháng, cô vẫn không cảm thấy nhàm chán mà luôn hào hứng bởi nhu cầu mua sắm tại mỗi thời điểm là khác nhau.

Trước dịch, Giang chủ yếu chọn đồ tại các cửa hàng để có thể kiểm tra chất liệu, dáng sản phẩm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, cô hầu hết chỉ lựa trên các sàn thương mại điện tử. Hiện tại, khoảng 80% đồ dùng trong gia đình Giang đều là mua online.

 Giang yêu thích mua quần áo, mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Giang yêu thích mua quần áo, mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử.

“Mình có nhu cầu thay đổi trang phục cao do công việc thường xuyên phải xuất hiện trên mạng xã hội. Đối với mình, việc mua đồ trực tuyến khá thuận tiện vì các gian hàng liên tục có chương trình giảm giá. Nếu áp dụng cùng lúc đợt sale, giá còn giảm sâu hơn nhiều”, Giang nói.

Cũng theo Giang, mỗi tháng, sau khi bỏ riêng khoản phí sinh hoạt tối thiểu, cô sẽ dành 60% thu nhập của mình cho việc mua sắm.

“Mình không nghĩ đây là lãng phí, mình chỉ chi tiêu phù hợp với kế hoạch và mục đích sử dụng của cá nhân. Có nhiều bạn muốn bỏ tiền để đi du lịch, mình lại là mẫu người muốn đầu tư cho shopping”, cô tâm sự.

Trong khi đó, dù phải siết chặt chi tiêu dịp cuối năm, Phương Linh (Hà Nội) vẫn khó thoát khỏi sự “cám dỗ” của ngày sale lớn 12/12.

Linh cho biết vào đợt khuyến mãi 11/11 vừa qua, cô đã chi khoảng 3 triệu đồng cho các sản phẩm quần áo, mỹ phẩm. Thậm chí, trong tủ nhiều món hàng vẫn chưa dùng tới, Linh vẫn có thói quen mua thêm đồ.

 Phương Linh không "đứng ngoài cuộc chơi" trong mỗi dịp giảm giá.

Phương Linh không "đứng ngoài cuộc chơi" trong mỗi dịp giảm giá.

“Mình cũng tham gia các hội, nhóm chia sẻ mẹo săn sale, mã giảm giá để có thêm voucher mua hàng vào những dịp sale lớn trong năm.

Khoảng 2-3 ngày trước mỗi đợt sale, mình tham khảo trước các mặt hàng cần và bỏ vào giỏ hàng, chuẩn bị sẵn voucher để mua sắm dễ dàng hơn”, Linh chia sẻ.

Dịp sale 12/12, Linh dự tính chi khoảng một triệu đồng cho quần áo và một số vật dụng trang trí Giáng sinh.

“Những tháng giãn cách xã hội, mình còn chi tiêu nhiều hơn khi ở nhà. Giờ đây khi đã có thể ra ngoài, mình sẽ hạn chế việc mua sắm một chút, tiết kiệm cho những kế hoạch vui chơi khác”, Linh nói.

Cuối tháng 11, tại họp báo Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoài Hải đã đánh giá Covid-19 là cơ hội giúp thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh hơn.

Theo ông ước tính, trong giai đoạn dịch vừa qua, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng khoảng 18%.

Chờ dịp sale mới mua sắm

Giống như Lam Giang và Phương Linh, Thu Hà (26 tuổi, TP.HCM) cũng luôn hào hứng với mỗi đợt sale trên các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là cô chủ yếu chỉ chọn mua các loại bàn phím máy tính, phục vụ cho công việc làm văn phòng.

Riêng đợt sale 11/11 và Black Friday, cô đã mua đến 5 chiếc bàn phím khác nhau, hiện vẫn tiếp tục tìm thêm vào ngày siêu sale 12/12.

“Mình sử dụng 2 máy tính để bàn, một laptop và một máy tính bảng. Mỗi thiết bị, mình đều cần sử dụng bàn phím riêng phù hợp. Những ai làm việc nhiều trên máy tính đều biết một bàn phím tốt mang lại hiệu quả và sự thoải mái ra sao”, Hà chia sẻ.

Ngoài ra, Hà cũng tranh thủ các đợt sale để sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho gia đình. Cô thường lên kế hoạch mỗi tháng, chờ đúng ngày sale mới “dốc ví” đặt hàng.

“Những món đồ mình mua có thể không được giảm giá vào ngày sale, nhưng mình vẫn có thói quen chờ ngày sale mới mua từ dầu gội, sữa tắm cho đến cả đồ ăn vặt. Với mình, giảm được đến đâu hay đến đó”, Hà cho hay.

Hay như với Hải Anh (19 tuổi, TP.HCM), mỗi dịp sale hàng tháng luôn là cơ hội để cô “nướng” tiền vào những món đồ phụ kiện giá rẻ, nhỏ xinh như ốp lưng điện thoại.

Cô cho biết bản thân đã có tới gần 100 chiếc ốp, nhưng đợt sale nào cũng phải mua thêm vì muốn có nhiều "áo xinh" cho điện thoại.

 Thu Hà đã có nhiều bàn phím nhưng vẫn quyết mua thêm vào dịp sale 12/12.

Thu Hà đã có nhiều bàn phím nhưng vẫn quyết mua thêm vào dịp sale 12/12.

“Do tài chính còn eo hẹp, mình thường xuyên chờ đợi các dịp sale để có được các sản phẩm yêu thích với mức giá rẻ nhất. Mình chủ yếu chọn những món đồ nhỏ như ốp điện thoại, vớ, kính cường lực, thảm lau chân với giá 1.000-2.000 đồng. Nếu áp thêm mã giảm phí ship, tổng mỗi đơn hàng của mình chỉ khoảng 6.000 cho đến vài chục nghìn đồng”, cô nói.

Nếu như những ngày hội giảm giá diễn ra liên tục khiến nhiều người chán ngán, Hải Anh chia sẻ mình vẫn sẽ săn sale vào những đợt tiếp theo, đặc biệt là khi các dịp lễ, Tết lớn cuối năm đã cận kề.

“Sắp tới, mình hy vọng vẫn sẽ có những đợt giảm giá sâu để có thể tranh thủ mua sắm một số đồ dùng cho dịp Tết Nguyên đán. Đối với một sinh viên như mình, đây là cách chi tiêu khá tiết kiệm và hiệu quả”, Hải Anh cho hay.

Thục Hạnh - Trang Minh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhiet-tinh-san-sale-post1282925.html