Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.
Xuống cấp, tự phát
Toàn xã Phú An (Phú Vang) có hơn 100 phương tiện ghe thuyền khai thác trên đầm phá. Từ nhiều năm nay, vũng đậu tự nhiên tại thôn Định Cư, xã Phú An được ngư dân sử dụng như khu neo đậu truyền thống, tự phát gây nên tình trạng nhếch nhác, lộn xộn và mất an toàn giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, tuyến đê Tây phá Đông đoạn còn lại nối xã Phú An - Phú Mỹ dài gần 3km chưa được đầu tư nâng cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của ngư dân trong khu vực.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, toàn xã có 125 phương tiện ghe thuyền khai thác trên đầm phá, từ xưa đến nay đều neo đậu ở vũng tự nhiên thôn Định Cư. Do chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, quy hoạch bài bản nên các phương tiện đậu tự phát, chen lấn gây mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão và làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch ở địa phương.
Tương tự, nhiều hạng mục của Khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) cũng bị xuống cấp, hư hỏng, bồi lấp làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và neo đậu tàu thuyền.
Tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) hiện có 2 vũng đậu tàu tự nhiên ở thôn An Cư Đông 1 và An Cư Đông 2 với tổng diện tích gần 1ha. Từ nhiều năm nay, ngư dân trong vùng đều neo đậu ở các vũng tự nhiên này với khoảng 80 tàu thuyền có công suất từ 20 - 90CV. Ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, 2 khu vực An Cư Đông 1 và An Cư Đông 2 là vũng đậu truyền thống, tự phát, chưa được đầu tư bài bản nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và ảnh hưởng đến phát triển du lịch địa phương. Tại nhiều kỳ tiếp xúc cử trị, địa phương đã kiến nghị, đề xuất với cấp trên đầu tư xây dựng điểm neo đậu tàu thuyền nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân, phục vụ phát triển hậu cần nghề cá.
Từng bước đầu tư
Trận lũ lịch sử tháng 11/1999 khiến khu neo đậu tàu thuyền ở Eo Bầu - Hòa Duân bị cuốn trôi nên UBND tỉnh đã đầu tư khu neo đậu tránh bão xã Phú Thuận tại thôn An Dương, xã Phú Thuận vào năm 2000. Công trình sau khi đưa vào sử dụng là nơi hoạt động dịch vụ nghề cá và tránh trú bão cho hơn 100 phương tiện tàu thuyền.
Dù vậy, sau khi đưa vào sử dụng, do chịu ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, cộng với nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp của địa phương còn hạn chế khiến khu neo đậu, tránh bão này ngày càng xuống cấp. Việc sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận nhằm phục vụ trực tiếp Nhân dân tại địa bàn, cũng như gián tiếp cho toàn vùng phát triển bền vững nghề cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu, bốc dỡ, trao đổi hàng hóa và tránh trú bão cho tàu cá xa bờ (công suất đến 600CV). Vì vậy, UBND tỉnh (nay là TP. Huế) đã đề xuất Chính phủ nâng cấp âu thuyền Phú Thuận với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá đang dần cạn kiệt do việc đánh bắt thường xuyên, đánh bắt hủy diệt và biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy, hải sản. Vì vậy, một bộ phận lớn cư dân ở hai bên đầm phá đã chuyển dần sang nuôi trồng thủy sản để tạo thêm nguồn thu nhập ổn định hơn. Hàng năm, các hộ nuôi trồng thủy sản ven phá của các địa phương như Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân, huyện Phú Vang luôn bị ảnh hưởng bởi nước lũ tràn vào các hồ nuôi làm tôm, cá làm chết hàng loạt. Để giải quyết tình trạng trên, UBND thành phố cũng đã đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn triển khai dự án nạo vét luồng tuyến, tuyến thủy đạo phục vụ tàu thuyền vào khu neo đậu và ngăn lũ bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ven phá khu vực huyện Phú Vang, với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, phát triển kinh tế du lịch địa phương, việc tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu neo đậu, cảng cá, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết. Vì vậy, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu, lập hồ sơ thủ tục để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với các các hạng mục âu thuyền một số địa phương.