Nhiều bài học kinh nghiệm từ mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Ngày 8-12, tại Hà Nội, Ban Liên lạc học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc và Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm các trường HSMN trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ HSMN thực hiện di chúc của Bác Hồ.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương qua các thời kỳ và gần 3.000 học sinh đại diện cho 32 nghìn HSMN từng học tập trên đất Bắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất, từ năm 1954-1975, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã thành lập 28 trường HSMN ở các loại hình từ mẫu giáo, cấp I, cấp II, III và bổ túc văn hóa để đón con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc nuôi dưỡng, học tập, với tổng số trên 32 nghìn người. Để có thể đào tạo tốt nhất cho những “hạt giống đỏ” miền Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn kỹ lưỡng những giáo viên đủ tiêu chuẩn lý lịch tốt, có lòng yêu mến học sinh....

Trong 21 năm, hơn 5.000 giáo viên được lựa chọn để vào giảng dạy tại các trường học sinh miền Nam. 28 trường HSMN ở Hà Nội và các tỉnh lân cận thời đó đều được tổ chức theo mô hình trường nội trú. Giáo viên cùng ăn, cùng ở, cùng học tập với học sinh. Trong công tác quản lý và giảng dạy đều có giáo viên miền Nam và miền Bắc phối hợp đảm nhận. Mặc dù miền Bắc ở thời điểm đó gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân miền Bắc vẫn dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất về ăn, ở, học tập…

Đông đảo các thế hệ HSMN trên đất Bắc tham dự lễ kỷ niệm

Đông đảo các thế hệ HSMN trên đất Bắc tham dự lễ kỷ niệm

Nhiều học sinh miền Nam sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Anh hùng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang; các nhà khoa học đầu ngành, doanh nghiệp, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà giáo nhân dân… Trong số này có 6 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng; 18 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 đồng chí là Bí thư tỉnh ủy; 18 đồng chí là Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh…

Đặc biệt, hiện tại, nhiều HSMN trên đất Bắc vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tưởng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời cảm ơn, sự tri ân chân thành nhất đến các thầy cô giáo đã dạy dỗ, đùm bọc, yêu thương các thế hệ HSMN trên đất Bắc.

Bày tỏ xúc động được gặp lại các thầy cô, những cán bộ, các anh chị và bạn bè “đã một thời quây quần, gắn bó bên nhau dưới mái trường HSMN trên đất Bắc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, đội ngũ hơn 32.000 học sinh miền Nam phần đông đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc ta.

Đã 65 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm trong giai đoạn học tập và được sống trong đồng bào nhân dân miền Bắc ngày đó luôn khắc ghi trong ký ức của mỗi cá nhân chúng tôi, những cựu học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả, gian khổ của cuộc chiến tranh phá hoại nhưng chúng tôi đã được đồng bào miền Bắc cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, tạo mọi điều kiện nơi ăn chốn ở tốt nhất, dành cả tình cảm yêu thương, quý mến con em miền Nam như người thân trong gia đình. Những ân tình đó của đồng bào miền Bắc, công ơn tận tình dạy dỗ, chỉ bảo, uốn nắn của các thầy cô giáo, chúng tôi luôn ghi nhớ trong lòng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các HSMN trên đất Bắc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các HSMN trên đất Bắc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Tháng 5-1949, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu, nơi rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ các ngành sau này đã trưởng thành. Các thế hệ thiếu sinh quân Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.

Từ thành công của mô hình giáo dục đào tạo này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, cho cả nước. Để nuôi dạy học sinh miền Nam, Đảng và Chính phủ đã cho lập các trường học sinh miền Nam. Hệ thống trường rất đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và bổ túc văn hóa, có cả trường cho con em đồng bào các dân tộc miền núi…

Nhiều thế hệ học sinh miền Nam vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân như các Anh hùng Nguyễn Kim Vang, Hải Quân, Võ Văn Mẫn, Lê Khương, Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, Anh hùng Lực lượng vũ trang trong Công an Trần Trung Thất, nhà báo Lê Đình Phụng. Đồng chí Phạm Bá Lữ và nhiều đồng chí bị địch bắt đánh đập, tù đày nhưng không khai báo… Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang học sinh miền Nam tuyệt đối trung thành, xả thân, ân nghĩa, tài hoa…

“Thời gian đã trôi qua sau 65 năm kể từ ngày các học sinh miền Nam đặt chân lên đất Bắc, đã gần 45 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hôm nay nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định rằng trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục và đào tạo cách mạng của nước ta”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, từ thành công của mô hình giáo dục trường thiếu sinh quân, đặc biệt là thành công của các hệ thống trường HSMN trên đất Bắc đã cho chúng ta nhiều bài học về giáo dục, chăm lo chuẩn bị nguồn lực con người, đào tạo các thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó là bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và tổ chức điều hành. Thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, từ tình thương yêu của người thầy, xây dựng nên tình thầy trò sâu nặng, nhân tố quyết định để dạy tốt, học tốt.

"Chúng ta không thể đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo ngày nay phải sao chép mô hình nuôi dạy học sinh miền Nam cách đây mấy chục năm trong điều kiện chiến tranh, đất nước còn chia cắt nhưng những thành tựu ấy, những bài học ấy gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm đại diện cho HSMN trên đất Bắc phát biểu tại buổi lễ

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm đại diện cho HSMN trên đất Bắc phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn, tin tưởng rằng 32.000 HSMN trên đất Bắc dù ở cương vị nào cũng sẽ tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để các thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/goi-mo-nhieu-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-mo-hinh-truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-573107/