Nhiều băn khoăn

Ngày 5-7, tiền đạo Công Phượng rời Việt Nam, sang châu Âu để đầu quân cho CLB Sint-Truidense (Bỉ). Việc Công Phượng được sang trui rèn, thi đấu ở một giải vô địch quốc gia có nền bóng đá khá phát triển như Bỉ là điều đáng mừng cho bóng đá nước nhà, tuy nhiên cũng còn quá nhiều băn khoăn đối với người hâm mộ.

Thương hiệu hay chuyên môn

Huỳnh Đức là cầu thủ Việt đầu tiên xuất ngoại. Thời điểm đó, anh là một tiền đạo khá toàn diện, có thể hình lý tưởng, sức tì đè khá tốt nên anh vừa làm tường cho đồng đội, vừa tả xung hữu đột để ghi bàn cả bằng đầu và bằng đôi chân dài (dù chưa thật khéo). Song lúc đó Huỳnh Đức đầu quân cho Chongquin Lifan (Trung Quốc) mang nặng tính thương mại nên chỉ sau 4 tháng đã trở về câu lạc bộ (CLB) chủ quản.

Sau này, các cầu thủ: Lương Trung Tuấn, Việt Thắng, rồi Công Vinh cũng có thời gian thử sức ở Thái Lan, Bồ Đào Nha, nhưng nhìn chung đều chưa chứng tỏ được hiệu quả về mặt chuyên môn... Gần đây nhất là Tuấn Anh, Xuân Trường cũng rơi vào tình cảnh tương tự và đã trở về thi đấu trong nước.

Quá tam ba bận

Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng là những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Arsenal-Hoàng Anh Gia Lai nên về kỹ thuật và phần nào đó là tư duy chiến thuật khá tốt. Đây lại là một đáp án của bài toán mà bầu Đức đang ngày đêm đi tìm lời giải-cầu thủ Việt không kém tài nếu được đào tạo bài bản khoa học. Vì thế, bầu Đức tạo mọi điều kiện tốt nhất để cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu. Song như đã đề cập ở phần trên, những phép tính từ Tuấn Anh và Xuân Trường không có lời giải và phải chăng Công Phượng đang là phép thử cuối cùng cho một lứa cầu thủ được xem là thành công của lò đào tạo Arsenal-Hoàng Anh Gia Lai. Cũng cần nói thêm, đây là lần thứ ba cầu thủ gốc Nghệ An này thử sức ở nước ngoài. Năm 2016, anh đến Mito Hollyhock (Nhật Bản) nhưng không thể hiện được khả năng chuyên môn.

 Ngày 5-7, tiền đạo Công Phượng ( trái) đón nhận chiếc áo số 15 của CLB Sint Truidense (Bỉ). Ảnh: Anh Hải.

Ngày 5-7, tiền đạo Công Phượng ( trái) đón nhận chiếc áo số 15 của CLB Sint Truidense (Bỉ). Ảnh: Anh Hải.

Đầu năm 2019, Công Phượng đầu quân cho CLB Incheon United (Hàn Quốc) theo hợp đồng có thời hạn một năm. Tuy nhiên, anh không thích nghi được với lối chơi của CLB Incheon United nói riêng và K.League nói chung. Dưới sự dẫn dắt của hai huấn luyện viên (HLV) Jorn Andersen và Yoo Sang-chul, anh chỉ ra sân tổng cộng 9 trận và không ghi được bàn thắng nào, dù là một tiền đạo bẩm sinh. Vì thế, sau một phần hai chặng đường, Công Phượng phải trở về chốn cũ.

Ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của bầu Đức bằng thương vụ Công Phượng sang châu Âu lần này, dù Công ty DJ Management (đại diện cho HLV Park Hang-seo) mới chính là cầu nối.

Phía trước là núi

CLB Sint-Truidense mà Công Phượng vừa đầu quân được thành lập năm 1924 và đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia Bỉ. Mùa bóng 2018-2019, họ đứng thứ 7 trong 16 đội (47 điểm qua 30 vòng đấu). CLB Sint-Truidense thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản DMM.com từ tháng 11-2017.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù là một trong những chân sút hàng đầu của Việt Nam nhưng sự cạnh tranh của Công Phượng ở Bỉ sẽ rất khó khăn. Tại Sint-Truidense, Công Phượng sẽ phải cạnh tranh suất đá chính với… 5 tiền đạo và tất cả đều có giá trị cao hơn hẳn Công Phượng. Đầu tiên phải kể đến cầu thủ đắt giá nhất là Yohan Boli (Bờ Biển Ngà, 2,7 triệu euro), tiếp là đội trưởng Jordan Botaka (Congo, 1,35 triệu euro), tiền đạo Duckens Nazon (Pháp, 315 nghìn euro), Kosuke Kinoshita (Nhật, 315 nghìn euro), Wolke Janssens (Bỉ, 225 nghìn euro).

Công Phượng là cầu thủ có giá trị thấp nhất trong đội hình Sint-Truidense (150 nghìn euro), theo đánh giá của trang Transfermkart.

Chúng ta đã xem Công Phượng thi đấu rất nhiều. Anh thành công ở các đội trẻ và các đội U.23, đội tuyển Việt Nam, nhưng ai cũng biết xung quanh anh là những đồng đội thực thụ, hết lòng vì cờ đỏ sao vàng. Vì thế, Công Phượng luôn có được những đường bóng thuận lợi nhất, dễ thành bàn nhất. Ngược lại, khi khoác áo các CLB nước ngoài là miếng cơm manh áo của các cầu thủ; là thương hiệu của CLB, của ông chủ bỏ tiền ra đầu tư... nên cách xử lý trên sân sẽ rất khác và anh rất khó tiệm cận với những tình huống có thể ghi bàn.

Một điều dễ nhận thấy nữa là sức vóc Công Phượng rất hạn chế. Anh chỉ cao 1,68m, mình mỏng, thiếu sức càn lướt, lại thi đấu ở vị trí tiền đạo nên rất khó tạo ra khoảng trống. Đấy là chưa kể đến văn hóa và sự hội nhập mà không phải cầu thủ Á Đông nào cũng hòa nhập được với văn hóa, lối sống phương Tây chỉ trong một khoảng thời gian.

Nhiều băn khoăn cho chuyến đi của Công Phượng cũng như toan tính của bầu Đức.

NAM THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nhieu-ban-khoan-581726