Nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng tại Bắc Giang

Ngày 4-12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo Kết luận số 2125/TB-TTCP về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006-2017.

Ngày 4-12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo Kết luận số 2125/TB-TTCP về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006-2017.

Theo TTCP, tỉnh Bắc Giang đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế như quy hoạch sử dụng đất (SDÐ) đến năm 2020, kế hoạch SDÐ kỳ đầu (2011 - 2015) dù đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng UBND tỉnh lại phê duyệt tại cấp huyện chậm. Ðiều chỉnh quy hoạch SDÐ đến năm 2020, kế hoạch SDÐ kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh và cấp huyện đến năm 2018 mới được Chính phủ phê duyệt, do vậy một số dự án, công trình phát sinh năm 2016, 2017 phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch SDÐ cấp huyện do chưa có trong quy hoạch, kế hoạch SDÐ trong kỳ. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch SDÐ còn hạn chế, chưa có dự báo hợp lý cho nên thường phải điều chỉnh, bổ sung khi quy hoạch ngành biến động hoặc nhu cầu về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội có sự thay đổi. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch SDÐ còn thấp. Một số dự án, công trình đã có trong quy hoạch, kế hoạch SDÐ nhưng chưa được thực hiện, nhất là những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Việc cập nhật quy hoạch ngành sau điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch SDÐ còn chưa kịp thời. Công tác quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt còn yếu; công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch, kế hoạch SDÐ chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thu hút đầu tư vẫn chưa chủ động theo quy hoạch SDÐ, một số nhà đầu tư năng lực còn hạn chế, có biểu hiện chuyển nhượng dự án sau khi được giao đất, cho thuê đất mà không đầu tư.

Ðối với việc cấp giấy chứng nhận quyền SDÐ, theo TTCP, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 12.749 thửa đất ở còn tồn tại, vướng mắc chưa được cấp giấy chứng nhận, do các trường hợp này đều có nguồn gốc rất phức tạp như hiện trạng SDÐ không phù hợp quy hoạch; thửa đất được giao không đúng thẩm quyền; đất đang có tranh chấp; không thực hiện nghĩa vụ tài chính; các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích SDÐ. Thanh tra việc quản lý và SDÐ công ích, TTCP đã chỉ ra nhiều địa phương trong tỉnh để quỹ đất công ích phân tán, không quy hoạch thành khu, vùng tập trung mà để rải rác, xen kẹp trong khu dân cư không tách được phần đất công ích và đất giao ổn định lâu dài.

Từ năm 2002 - 2007, có 43 doanh nghiệp được chấp thuận và cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp Ðình Trám, theo đơn giá tại thời điểm cho thuê thì số tiền là 7.084,65 triệu đồng, nhưng UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản cho phép không thu tiền, gây thất thoát ngân sách nhà nước, vi phạm quy định Luật Ðất đai. Ðến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Bắc Giang vẫn chưa chỉ đạo thực hiện xong việc đưa ba doanh nghiệp (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh An; Công ty TNHH Vương Vỹ; Công ty TNHH VinaSolar Technology) ra khỏi đất Khu công nghiệp Ðình Trám do các doanh nghiệp này đã SDÐ khu công nghiệp để xây dựng kinh doanh dịch vụ khách sạn, ki-ốt cho thuê, vui chơi giải trí, ka-ra-ô-kê, xông hơi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận đầu tư dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích SDÐ lúa tại các dự án: khu đô thị phía tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang; khu đô thị An Huy thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên… là vi phạm quy định Luật Ðất đai; điều chỉnh quy mô một số khu công nghiệp khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan là vi phạm quy định của pháp luật.

Công tác quy hoạch ở địa phương còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở các đô thị còn thấp, hầu hết các xã chưa có quy hoạch chi tiết. Chi tiết phải điều chỉnh nhiều lần, nhất là đối với các dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã phân cấp cho một số đơn vị không chuyên, năng lực có hạn làm chủ đầu tư, đã bộc lộ sự hạn chế, sai sót trong công tác đấu thầu. Nhiều gói thầu còn chưa tuân thủ tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, chưa đi sâu làm rõ năng lực nhà thầu dẫn đến một số dự án lựa chọn nhà thầu có năng lực yếu kém. Nguyên nhân là chủ đầu tư dự án thiếu lực lượng chuyên môn, cán bộ làm công tác chuyên môn chưa cao, chưa thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ðấu thầu, công tác giám sát hoạt động đấu thầu chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu.

TTCP cho biết, sai phạm về kinh tế trong các dự án được thanh tra là 34.120,297 triệu đồng. TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, xem xét và xử lý đối với các đơn vị được giao đất, cho thuê đất trong Khu công nghiệp Ðình Trám, nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật và xác định truy thu bổ sung tiền thuế đất có hạ tầng khu công nghiệp, do các đơn vị này hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ nhưng vẫn được cho thuê theo đơn giá chung của khu công nghiệp, đồng thời tiến hành việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng cho phù hợp mục đích SDÐ. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân của các thời kỳ trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, phát hiện xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước để xảy ra một số bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng... Căn cứ kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tập thể cá nhân có sai phạm.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhieu-bat-cap-han-che-trong-quan-ly-su-dung-dat-va-dau-tu-xay-dung-tai-bac-giang-627154/