Nhiều bất cập trong quản lý cơ sở kinh doanh, chế biến cà phê ở Sơn La
Thiếu thốn kinh phí, công nghệ, nguồn nhân lực là những khó khăn mà các cơ sở kinh doanh sản xuất, sơ chế cà phê tỉnh Sơn La còn vướng mắc.
Làm thế nào để không còn tình trạng ô nhiễm môi trường mỗi khi đến mùa cà phê là bài toán khó mà tỉnh Sơn La chưa tìm được lời giải đáp.
Anh Quàng Văn Quyết ở bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La cho biết: Gia đình đã trồng cà phê từ khoảng năm 1993, khi ấy thì trồng ít, nhưng đến khoảng năm 2014 – 2015, gia đình đã phát triển được khoảng 4 ha cà phê, cộng với khi ấy bà con trong bản, trong xã cũng làm nhiều nên gia đình quyết định thu mua và đầu tư mô hình sơ chế quả cà phê. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình anh sơ chế trên dưới 400 tấn cà phê tươi cho bà con và của gia đình.
Để đầu tư mô hình sơ chế quả cà phê rất tốn kém, gồm máy sát vỏ tươi, máy hút, lò sấy… chi phí hết hơn 200 triệu đồng. Số tiền này không phải là nhỏ đối với xã còn nhiều khó khăn như Chiềng Đen nhưng do không đủ điều kiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên anh Quyết vẫn thực hiện xử lý bằng cách đào hố, lót bạt, đổ thêm vôi, phủ bạt lên để hạn chế mùi hôi thối bốc ra môi trường.
“Cơ sở chế biến cà phê của gia đình cũng ô nhiễm môi trường thật nhưng vì cuộc sống của chúng tôi chỉ trông chờ vào việc trồng và chế biến cà phê, nếu không làm thì không biết trông chờ vào đâu bởi những năm gần đây giá cà phê xuống quá thấp, do đó gia đình chúng tôi phải thực hiện sơ chế cà phê để được giá cao hơn” - anh Quyết nói.
Xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La là một trong 3 địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất tỉnh Sơn La với hơn 1.000 ha. Xã hiện có hơn 13 cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình, trong đó 8 cơ sở đã bị đình chỉ trong mùa cà phê năm nay.
Các hộ này đều không có hệ thống xử lý nước xả thải cà phê theo đúng tiêu chuẩn mà tự đào hố, lót bạt, rắc vôi rồi xả thải trực tiếp nước thải do sơ chế cà phê xuống hố, sau đó dùng bạt lấp lại. Cách làm này không thể hạn chế được mùi hôi thối bốc ra ngoài môi trường, hơn nữa nước xả thải còn ngấm xuống lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh của nhiều hộ dân và các cơ sở kinh doanh, sản xuất khác trong khu vực.
Ông Tòng Văn Pâng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Đen cho biết: Trung bình 1 tấn cà phê tươi, sau khi sơ chế sẽ thu được 2,5 tạ cà phê thóc, công đoạn này dùng khoảng 1 – 1,5 m3 nước. Như vậy lượng nước thải trong quá trình chế cà phê khá lớn, tuy nhiên trong bản, trong xã không ai có thể đủ điều kiện để xây dựng công trình bảo vệ môi trường theo đúng quy định bởi chi phí đầu tư lớn, các hộ ở đây làm nhỏ lẻ, đến hết mùa cà phê lại thôi.
“Trong thời gian tới xã tiếp tục chỉ đạo bà con nhân dân không tăng thêm diện tích cà phê, chăm sóc đảm bảo theo khoa học kỹ thuật và theo tiêu chuẩn VietGAP. Xã cũng xem xét chuyển đổi một số diện tích không hiệu quả sang trồng cây ăn quả khác có giá trị cao hơn. Trong thời gian tới thì đề nghị tỉnh, thành phố có những giải pháp mở rộng các cơ sở tiêu thụ sản phẩm cà phê nhưng đảm bảo về môi trường, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cà phê góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương” - ông Pâng nói.
Tỉnh Sơn La hiện có trên 17.000 ha trồng cà phê, 4 cơ sở sơ chế, chế biến có quy mô, công suất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó chỉ 1 cơ sở được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Hiện vẫn tồn tại hơn 600 hộ gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ tự sơ chế hoặc thu mua cà phê để sơ chế, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Việc các cơ sở sơ chế cà phê đổ nước thải vào các hố, ao phủ bạt sơ sài, thậm chí xả ra cống rãnh, xả vào giếng ngầm khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi, nghiêm trọng hơn là nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Điển hình như năm 2017, nguồn nước của nhà máy nước thành phố Sơn La bị ô nhiễm do nước thải sơ chế cà phê tại đầu nguồn, khiến nhà máy nước phải tạm ngừng cấp nước dài ngày, làm hơn 12.000 hộ, tương đương hơn 5 vạn người dân bị ảnh hưởng. Riêng trong năm nay, ô nhiễm nguồn nước đã làm trạm cấp nước Nà Sản, huyện Mai Sơn phải ngừng hoạt động 2 lần.
Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Sơn La đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Qua kiểm tra, giám sát đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng như mùa cà phê mọi năm, xuất hiện nhiều hộ sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình tự phát, hơn nữa còn thực hiện việc sơ chế cà phê vào ban đêm và rạng sáng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý; nhiều hộ gia đình không hợp tác với lực lượng kiểm tra dẫn đến bất cập trong việc quản lý các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê.
Ông Đỗ Văn Trụ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Sơn La cho biết: “Ban ngày cửa không dám mở ra bởi vì ô nhiễm, mùi hôi thối, phải đóng kín cửa, sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thứ 2 là nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, từ cơ sở ấy dẫn đến việc vệ sinh không an toàn. Bà con ở đây có kiến nghị với nhà nước là cần phải có cách xử lý nào đó để mà đảm bảo môi trường cho an toàn, vệ sinh.”
Tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê ở Sơn La vẫn tái diễn năm này qua năm khác, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước vẫn sẽ tiếp tục đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân, nhất là mỗi khi đến vụ cà phê./.