Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt - Kỳ 2: Mỗi nơi quản một kiểu
Toàn quốc hiện có hơn 1.500 'đường ngang' và hơn 3.500 'lối đi tự mở đường' qua đường sắt nhưng việc tổ chức quản lý an toàn đang bộc lộ nhiều bất cập.
Nỗi lo gác chắn "lối đi tự mở" thiếu chuyên nghiệp
Sau khi xảy ra vụ tai nạn ngày 28/1/2023 tại vị trí giao đường sắt với đường bộ ở Km 28+800 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (thuộc xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) giữa tàu hỏa và một xe đầu kéo rơ moóc chở thép cây, nhiều người mới biết đây là "lối đi tự mở" và do Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây trực tiếp quản lý, bảo đảm an toàn.
Tuy vị trí giao cắt này có cần chắn, nhân viên trực gác chắn 24/24h như nhiều vị trí "đường ngang" khác trên cùng tuyến (do Công ty đường sắt quản lý vận hành) nhưng khác biệt đây chỉ là "lối đi tự mở" nên do địa phương tổ chức cảnh giới an toàn.
Đại diện Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây cho biết, đơn vị hiện đang tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn tại 13 vị trí nút giao giữa đường bộ qua đường sắt thuộc địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Công việc trên được thực hiện thông qua đấu thầu, do Ban Duy tu quản lý các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội là chủ đầu tư, mời thầu.
"Đơn vị chúng tôi thực hiện công việc này từ năm 2011. Để quản lý, giám sát tốt các chốt gác chắn, vừa qua chúng tôi tự bỏ kinh phí để lắp đặt hệ thống camera giám sát. Nhân viên trực gác được học nghiệp vụ tại Trường Đại học Công nghệ GTVT. Những năm qua, các chốt gác đều đảm bảo an toàn, đáng tiếc là vừa qua xảy ra vụ tai nạn trên và cũng là vụ tai nạn đầu tiên", vị này nói.
Khảo sát tại nút giao tại Km28+800 và một số vị trí khác hiện do Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây quản lý cho thấy, các chốt được cảnh giới và có cần gác chắn, trên đường bộ có cắm báo hiệu cảnh báo giao thông, sơn vạch màu vàng hoặc gờ giảm tốc; các chốt có nhà trực lớp mái tôn và mỗi ca làm việc có 2 nhân viên trực gác chắn 24/24h…
Các trạm gác chắn do địa phương đầu tư, tổ chức quản lý có cơ sở vật chất, trang thiết bị sơ sài hơn so với gác chắn do đơn vị trong ngành đường sắt quản lý. Đây cũng là thực tế chung ở nhiều địa phương khác.
Theo các đơn vị quản lý tuyến, các nút giao do các đơn vị đường sắt đảm nhiệm được gọi là "đường ngang", còn do đơn vị ngoài ngành đường sắt thực hiện là "lối đi tự mở". Nút giao đường ngang vận hành theo quy trình gác chắn chung. Có đường ngang có gác chắn hoặc được lắp hệ thống cần chắn đóng, mở tự động mỗi khi có tàu qua; còn nút giao "lối đi tự mở" được gác chắn thủ công hoặc chỉ có báo hiệu cảnh báo.
Tại các nút giao đường ngang được quản lý vận hành chặt chẽ theo quy trình giám sát chung, kết hợp trực tiếp và camera bên trong, ngoài nhà trạm theo quy trình chung. Còn tại "lối đi tự mở", việc kiểm tra, giám sát vận hành tác nghiệp tùy thuộc vào mỗi địa phương hoặc đơn vị trực tiếp quản lý.
"Các chốt chắn tại lối đi tự mở do địa phương quản lý và tổ chức cảnh giới, có kết nối thông tin giờ tàu, lịch chạy tàu với các nhà ga trên tuyến. Theo quy định hiện hành, lối đi tự mở chỉ cho phép ôtô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải trọng dưới 2,5 tấn qua lại.
Thực tế, quy mô và hoạt động của nhiều lối đi tự mở không khác gì đường ngang, nhưng sự chuyên nghiệp trong tác nghiệp của nhân viên gác chắn hay quản lý giám sát vận hành không được chuẩn như gác chắn do đơn vị đường sắt đảm nhiệm", theo lãnh đạo một công ty quản lý đường sắt.
"Trong tình huống xảy ra tai nạn tại Km28+800, khi xe ô tô bị mắc tại nút giao, nếu nhân viên gác chắn chuyên nghiệp sẽ có cách xử lý theo đúng quy trình như bắn pháo hiệu, ra tín hiệu cho đoàn tàu…, từ đó có thể sẽ kịp thời ngăn được tai nạn. Nhưng xem video không thấy có các xử lý tình huống trên", ông Nguyễn Bá Song, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng ví dụ.
Mỗi nơi quản "lối đi tự mở" một kiểu
Tìm hiểu cho thấy, theo quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương, tại các nút giao đường bộ thuộc "lối đi tự mở" do các địa phương quản lý, tổ chức cảnh giới để bảo đảm an toàn đường bộ, đường sắt.
Tại khu vực phía Bắc, những năm qua có Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh khá quan tâm dành kinh phí đầu tư cho công tác đảm bảo ATGT này. Tại Hà Nội, thành phố bố trí nguồn kinh phí để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tổ chức cảnh giới, chốt trực tại các lối đi tự mở.
Còn tại Bắc Ninh, dù tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn qua địa bàn có mật độ tàu lưu thông thấp (hiện khoảng 5-6 chuyến/ngày) nhưng từ năm 2012, địa phương đầu tư xây dựng nhà trạm và đặt hàng Công ty CP đường bộ Bắc Ninh tổ chức cảnh giới, chốt trực tại 12 lối đi tự mở trên đoạn tuyến dài hơn 20km đường sắt qua địa bàn, với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Ông Vũ Quang Bình, Giám đốc Công ty quản lý đường bộ Bắc Ninh cho biết, đội ngũ nhân viên gác chắn được tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ, đơn vị có bộ phận quản lý, giám sát riêng và hệ thống giám sát bằng camera… để quản lý chặt chẽ đội ngũ làm nhiệm vụ gác chắn.
Tuy nhiên, khảo sát gần đây tại một số chốt gác chắn do Công ty CP Quản lý đường bộ Bắc Ninh quản lý như chốt gác đường ngang Ga Lim (Km23+578), đường ngang Châu Khê (Km14+425)…, nhân viên gác chắn ở đây cho biết, quy định mỗi ca trực 8 tiếng nhưng thường đổi ca làm việc 8 tiếng thành 12 tiếng hoặc trực liền 1 ngày 1 đêm; trong khi có cần chắn đã hỏng đèn báo hiệu (gắn trên cần chắn) chưa được sửa chữa.
Theo Công ty CP đường sắt Vĩnh Phú, Hải Hà…, công tác tổ chức cảnh giới tại đường ngang do địa phương tổ chức đều không lập chốt gác cảnh giới trực 24/24h, mà theo hình thức tự quản, có người đứng ra cảnh giới theo giờ khi có tàu chạy qua hoặc theo loại hình tàu. Cụ thể, khi có tàu chạy qua tại đường ngang do địa phương tổ chức cảnh giới có người đứng ra vẫy cờ hiệu, cảnh báo cho phương tiện đường bộ.
"Việc cảnh giới đường ngang tại lối đi tự mở có sự khác nhau giữa các địa phương. Có nơi lập gác chắn, nơi chỉ cử người đứng gác, cảnh báo khi có tàu chạy qua hoặc như tại tỉnh Hưng Yên chỉ cảnh giới khi có tàu khách chạy qua; còn không cảnh giới khi có tàu hàng chạy qua.
Vấn đề cần quan tâm trong tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở do địa phương quản lý là sự quan tâm đầu tư của địa phương, cả về trang thiết bị và tập huấn, giám sát nghiệp vụ cho người làm nhiệm vụ gác chắn, cảnh giới", ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Kỹ thuật – an toàn, Công ty CP đường sắt Hà Hải chia sẻ.
3.000 tỷ đồng bảo trì hạ tầng và bảo đảm ATGT đường sắt
Theo Cục Đường sắt VN, trong năm 2022, Tổng công Đường sắt VN ký hợp đồng với Cục Đường sắt VN về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Tổng giá trị hợp đồng là 3.000 tỷ đồng, theo hợp đồng, Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện toàn bộ công việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia: công tác quản lý, giám sát, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm hạ tầng và ATGT đường sắt; Công trình khắc phục hậu quả bão lũ bước 1; Công tác sửa chữa định kỳ, hoạt động kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, sửa chữa đột xuất và công tác khác.
Đối với việc bảo đảm ATGT tại các nút giao nằm trên "lối đi tự mở" do các địa phương tổ chức thực hiện, dùng nguồn kinh phí ngân sách địa phương. Trong đó, đầu tư lớn nhất là tỉnh Bắc Ninh, với 12 trạm gác chắn, với kinh phí khoảng 500 triệu đồng/gác chắn.
Một số địa phương đang đầu tư kinh phí, duy trì cảnh giới ATGT tại các lối đi tự mở nguy hiểm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.