Nhiều bất cập trong quản lý giống cây trồng
Các tỉnh phía nam là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền giống cây trồng hoặc đưa các giống không có nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng bán ra thị trường diễn biến phức tạp khiến bà con nông dân chịu nhiều thiệt hại.
Các tỉnh phía nam là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền giống cây trồng hoặc đưa các giống không có nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng bán ra thị trường diễn biến phức tạp khiến bà con nông dân chịu nhiều thiệt hại.
Làm giả giống lúa có bản quyền
Trong những năm qua, nhiều giống cây trồng mới có chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, hành vi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trái quy định pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Ở nhiều nơi, xuất hiện tình trạng giống lúa đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm, chưa được cấp chứng nhận gieo trồng đại trà, nhưng các đơn vị sản xuất đã bán giống ra thị trường. Ðặc biệt, gần đây xuất hiện phổ biến hiện tượng vi phạm bản quyền giống, nhất là các giống lúa chủ lực như Nàng Hoa 9, Ðài Thơm 8, OM5451, ST24, RVT… Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng sự "nhẹ dạ" của người dân để cung cấp giống không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém với giá rẻ gây nhiều thiệt hại.
Hiện nay, bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng đang ráo riết xuống giống vụ hè thu 2020 nên lúa giống là mối quan tâm hàng đầu. Cũng vì vậy, thời gian này là cơ hội cho các đối tượng làm giả lúa giống trục lợi. Qua tìm hiểu cho thấy người dân không khó để tìm mua lúa giống khi bất cứ cửa hàng vật tư nông nghiệp, thậm chí là các quán ăn, giải khát ở nông thôn cũng đáp ứng được. Ðể tránh cơ quan chức năng phát hiện, những người bán lúa giống thường không bày hàng tại chỗ mà hỏi người mua cần bao nhiêu và giao hàng tận nơi. Nông dân Thạch Sơn, ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú cho biết: "Ðể mua được giống lúa chuẩn, tôi tìm đến các đại lý uy tín, xem hàng đúng mẫu mã của công ty cung ứng mới mua".
Cũng tìm đến đại lý nhưng ông Năm Biên (ở thị xã Ngã Năm) lại được một người mặc áo có lô-gô một công ty sản xuất giống lúa kéo ra ngoài "cò" giống lúa chuẩn. Ông Biên nhận lời đặt hàng vì nghĩ mua được giống lúa từ công ty mà giá rẻ hơn một nửa so với đại lý bán. Tuy nhiên, sau khi gieo lúa chỉ mọc mầm một nửa, khi xem lại bao bì mới nhận ra đây là hàng nhái. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, chủ sở hữu hai loại lúa giống ST24 và ST25 cho biết, hiện giống lúa ST25 mới được sản xuất thử qua hình thức hợp đồng bao tiêu với nông dân, nhưng trên thị trường đã xuất hiện nhiều nơi làm giả. Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả giống lúa ST25 ngậm ngùi nói: "Lúa giống ST24 bị giả mạo tràn lan vẫn chưa được khắc phục thì nay giống ST25 lại cùng chung số phận. Thủ đoạn lấy lúa thương phẩm làm lúa giống gây nhiều rủi ro, làm suy giảm phẩm chất gạo, giống phân hóa và nhanh thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất".
Gần đây, hơn 100 gia đình ở Ðồng Tháp bị các đối tượng lợi dụng sự "nhẹ dạ" để cung cấp lúa giống có tên Thiên Ðàng. Khi được hỏi, hầu hết các hộ đều không biết giống lúa này không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại nước ta. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðồng Tháp, diện tích gieo trồng giống lúa Thiên Ðàng trên địa bàn đến nay là hơn 285 ha, tập trung ở năm huyện: Tân Hồng, Thanh Bình, Châu Thành, Tháp Mười và Cao Lãnh với 114 hộ sản xuất, đơn vị cung ứng là Công ty TNHH giống lúa Thiên Ðàng (Công ty Thiên Ðàng) và Hợp tác xã Nông sản sạch Việt Nam.
Theo Phòng NN và PTNT huyện Tân Hồng, qua quá trình triển khai, công ty chưa tuân thủ đúng các quy định như: cung ứng giống lúa chưa nằm trong danh mục sản xuất tại Việt Nam, giống lúa chưa bảo đảm chất lượng. Qua rà soát, vụ đông xuân 2019-2020, trên địa bàn có 21 hộ tham gia với diện tích 59 ha, tất cả đều có hợp đồng liên kết và tiêu thụ nhưng không có chính quyền địa phương xác nhận.
Khó xử lý các vi phạm
Mặc dù các vụ vi phạm bản quyền giống cây trồng đang xảy ra ở nhiều địa phương nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn. Theo Thanh tra Bộ NN và PTNT, trên thực tế các cuộc thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nói riêng chỉ có hiệu quả khi thực hiện theo hình thức đột xuất. Tuy nhiên theo quy định của Luật Thanh tra, thanh tra đột xuất chỉ được tiến hành khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra mới chủ yếu thực hiện được với những loại giống cây trồng như ngô, lúa...; đối với các loại giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp thì còn nhiều bất cập. Hiện chưa có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng kinh doanh giống cây trồng giả, giống kém chất lượng. Còn theo Cục Trồng trọt, hiện nay tình trạng kinh doanh giống cây trồng với bao bì không có nhãn mác hoặc nhãn mác mập mờ vi phạm bản quyền tác giả đang ngày càng phổ biến; số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống hiện nay quá nhiều (khoảng 2.000 doanh nghiệp), một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, năng lực còn thấp, cạnh tranh thiếu lành mạnh…
Trước đây, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã xử lý vài vụ vi phạm bản quyền lúa giống ST24 nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Không khó để nông dân mua được lúa giống đã được cấp xác nhận đạt chuẩn nhưng vì ham giá rẻ, nhiều người vẫn mua lúa giống không nhãn mác hay lúa giống giả có nhãn mác nhưng ghi thiếu thông tin, lập lờ... Chánh Thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Thiên trần tình: "Chúng tôi thường xuyên phối hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung cấp lúa giống trên địa bàn, nhưng tình trạng làm giả, làm nhái lúa giống vẫn chưa bị loại bỏ. Những cơ sở làm giả giống lúa không ngừng thay đổi hình thức, thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Trong sáu tháng năm 2020, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 64 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp chỉ phát hiện một trường hợp ghi sai nhãn mác. Khá phổ biến hiện nay là các cơ sở cho nhân viên đi đến từng gia đình có nhiều ruộng để hỏi nhu cầu sử dụng và cung cấp trực tiếp lúa giống".
Vừa qua, Sở NN và PTNT Ðồng Tháp phối hợp Công an tỉnh xác minh, làm rõ các hoạt động của Công ty Thiên Ðàng cho thấy công ty này được Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 1-4-2019, có địa chỉ tại ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành A (Hậu Giang). Sản phẩm giống lúa Thiên Ðàng không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Về hoạt động của Hợp tác xã Nông sản sạch Việt Nam, được biết hợp tác xã này không còn hoạt động ở địa chỉ đã đăng ký tại TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) từ ngày 25-7-2019. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðồng Tháp Huỳnh Tất Ðạt, hiện nay việc lập biên bản và củng cố hồ sơ, xử lý đối với Công ty Thiên Ðàng và Hợp tác xã Nông sản sạch Việt Nam gặp khó khăn do không có trụ sở trên địa bàn.
Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng; tăng cường quản lý sản xuất giống và thanh, kiểm tra hoạt động buôn bán, lưu thông giống trên thị trường; tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán giống; các đơn vị cần chia sẻ bản quyền giống để các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện sản xuất giống bảo đảm chất lượng cung ứng cho nông dân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, thu hồi giấy phép những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không có giấy phép, không có vườn cây đầu dòng và không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của cây giống theo tiêu chuẩn đã công bố; các doanh nghiệp sản xuất giống xây dựng vùng sản xuất giống lúa tập trung, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, chia sẻ lợi ích và rủi ro, giúp liên kết sản xuất giống bền vững…
Theo Cục Trồng trọt, ở khu vực phía nam, mỗi năm các địa phương cần khoảng 750 nghìn đến 760 nghìn tấn thóc giống. Hiện nay, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm giống các địa phương cung cấp khoảng 200 nghìn tấn và hệ thống nông hộ (các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ…) sản xuất khoảng 140 nghìn tấn, phần còn lại do nông dân tự để giống.
Bài, ảnh: Hoàng Hùng và Phong Nghĩa