Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án đầu tư công
Bộ Tài chính cho biết, tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công trong năm 2023 hiện còn nhiều bất cập. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm các quy định của công tác này để nâng cao hiệu quả của đầu tư công trong xã hội hiện nay.
Chỉ ra các bất cập, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, các ban quản lý dự án (BQLDA) là đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ tài chính năm 2023, theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (Nghị định số 60) của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và Thông tư số 56/2022/TT-BTC (Thông tư số 56) của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị SNCL.
Việc cơ quan quản lý cấp trên (UBND tỉnh, huyện) phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án năm 2023 của BQLDA là đơn vị SNCL nhóm 1, nhóm 2 (trong khi đã phê duyệt phương án tự chủ tài chính từ năm 2022) là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 56 của Bộ Tài chính.
Hơn nữa, việc xác định số tiền để trích lập các quỹ tại BQLDA còn chưa đúng quy định hiện hành (đưa vào dự toán chi hàng năm số tiền dự kiến trích lập các quỹ là chưa đúng quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị SNCL).
Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, BQLDA, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định tại Nghị định số 60 của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Việc BQLDA ban hành quy chế chi tiêu nội bộ trong năm 2023 khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên và không xác định được thời gian gửi lấy ý kiến của cơ quan này có đảm bảo thời gian tối thiểu hay không là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 56 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, một số BQLDA vẫn áp dụng biểu mẫu tại các thông tư đã hết hiệu lực của Bộ Tài chính để lập dự toán chi phí quản lý dự án năm 2023 (Thông tư số 72/2017/TT-BTC và Thông tư số 06/2019/TT-BTC).
Một số chứng từ kế toán tại BQLDA còn chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định như: thiếu ngày, tháng, năm lập chứng từ; thiếu chữ ký trên chứng từ…
Nguyên nhân của những bất cập này được Bộ Tài chính chỉ ra là do các chủ đầu tư, BQLDA, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan chưa cập nhật đầy đủ cơ chế chính sách mới, vẫn thực hiện theo chế độ chính sách cũ.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, BQLDA, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định tại Nghị định số 60 của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đối với cơ quan tài chính, Bộ Tài chính yêu cầu thường xuyên kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn đầu tư công thuộc phạm vi quản lý; báo cáo cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn đầu tư công.
Đối với chủ đầu tư, BQLDA, Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định. Kiểm tra, rà soát đảm bảo chứng từ kế toán tại BQLDA đầy đủ các nội dung theo quy định.