Nhiều bất cập trong quy định mới về thủy sản khai thác xuất khẩu
Những quy định liên quan đến quản lý hải sản khai thác xuất khẩu mới ban hành gần đây đã xuất hiện bất cập khiến doanh nghiệp không biết làm thế nào để tuân thủ.
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang nỗ lực nước rút cho mục tiêu gỡ cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (thẻ vàng IUU). Tuy nhiên, những quy định liên quan đến quản lý hải sản khai thác xuất khẩu mới ban hành gần đây đã xuất hiện bất cập khiến doanh nghiệp không biết làm thế nào để tuân thủ.
Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị phổ biến các quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/4.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep thông tin, trong số các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy sản gần đây, Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đang có một số nội dung chưa thống nhất, rõ ràng về cách hiểu có thể dẫn đến khó khăn trong thực thi.
Cụ thể, Nghị định 37/2024/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Trong khi đó, Nghị định 38/2024/NĐ-CP chỉ đề cập đến việc xử phạt hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước nhưng không đề cập đến cụm từ “cùng một lô hàng xuất khẩu”. Điều đáng nói là ở cả 2 văn bản trên và trong Luật Thủy sản hiện hành đều chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu” dẫn đến mỗi đơn vị, doanh nghiệp có thể có cách diễn giải, cách hiểu khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị cơ quan ban hành làm rõ định nghĩa hành vi “trộn lẫn nguyên liệu” là việc doanh nghiệp sử dụng cả nguyên liệu khai thác nhập khẩu và nguyên liệu khai thác trong nước để chế biến ra một lô hàng xuất khẩu, hay là việc doanh nghiệp sắp xếp các sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu trong nước vào cùng một thùng/container hàng xuất khẩu? Còn nếu chiếu theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP, thì không chỉ “trộn lẫn nguyên liệu” trong cùng một lô hàng xuất khẩu mà tất cả những hành vi “trộn lẫn nguyên liệu” đều sẽ bị xử phạt?
Các doanh nghiệp cho biết, theo thực tiễn của ngành hàng, không phải lô hàng hải sản xuất khẩu nào cũng chỉ có một sản phẩm, chế biến từ nguyên liệu có cùng một nguồn gốc là nhập khẩu hoặc khai thác trong nước. Rất nhiều lô hàng sẽ được ghép bởi nhiều sản phẩm khác nhau hoặc cùng một sản phẩm nhưng được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau do nguyên liệu khai thác trong nước không đủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp có phân chia và chứng minh được sản phẩm nào có nguyên liệu là hải sản khai thác trong nước, sản phẩm nào có nguyên liệu nhập khẩu và tất cả nguyên liệu đều được đánh bắt hợp pháp, đó mới là mấu chốt của vấn đề sản phẩm có vi phạm hay không.
Cũng trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP, “điều 70 kiểm soát tàu khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam” yêu cầu tổ chức, cá nhân có tàu nước ngoài phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tàu cập cảng 72 giờ; còn điều 70a kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam, yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản phải thực hiện khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu trước 48 giờ khi tàu cập cảng.
Ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Hải Vương nêu vấn đề, rất nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản đang nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia… thời gian tàu vận chuyển hàng đến cảng Việt Nam chỉ chưa đầy 2 ngày (48 giờ). Với hàng hóa nhập khẩu bằng container, khi hàng lên tàu ở cảng xuất thì doanh nghiệp mới có thông tin để làm hồ sơ, chứng từ vậy thì doanh nghiệp nhập khẩu không có cách nào để khai báo trước 48 giờ hay 72 giờ như quy định.
Theo ông Huỳnh Thanh Lĩn, tàu hàng cập cảng Việt Nam không đồng nghĩa hàng hóa đã được nhập khẩu vào Việt Nam, hàng hóa chỉ được xem là nhập khẩu vào Việt Nam khi các doanh nghiệp nhập khẩu làm xong thủ tục thông quan. Vì vậy, cơ quan quản lý không nên áp đặt mốc thời gian khai báo trước khi tàu cập cảng, thay vào đó nên áp dụng mốc thời gian khai báo trước 72 giờ hoặc 48 giờ so với thời điểm doanh nghiệp sẽ làm thủ tục thông quan hàng hóa. Khi đó, doanh nghiệp vẫn sẽ chủ động khai báo để thông quan ngay khi có đầy đủ thông tin, hồ sơ mà bên xuất khẩu chuyển tới vì nếu để càng lâu thì chi phí lưu container, lưu bãi càng cao.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep khẳng định, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cam kết luôn đồng hành với Chính phủ trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành các quy định cần xác định rõ mục tiêu là giải quyết vấn đề kiểm soát từ gốc của chuỗi khai thác - chế biến - xuất khẩu” chính là quản lý hoạt động đánh bắt hải sản trên biển chứ không chỉ giải quyết phần ngọn là hoạt động thu mua, chế biến của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, ngành chế biến hải sản Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, có quy mô nhỏ, manh mún, nếu gặp thế khó rất có thể sẽ từ bỏ thị trường hoặc buộc phải chuyển sang gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, bên cạnh mục tiêu việc gỡ thẻ vàng IUU, các cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đảm bảo việc làm cho ngư dân và công nhân trong các nhà máy; đóng góp nhiều hơn vào giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản.