Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng được hồi sinh ngoạn mục
'Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có các bệnh nhân được điều trị khỏi và làm thủ tục cho xuất viện' - BS Trần Thanh Linh.
Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất tại TP.HCM nên số bệnh nhân (BN) trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều. Một tín hiệu tích cực tại BV này là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh. Từ khi BV đi vào hoạt động đến nay đã có gần 2.000 BN chuyển nhẹ và xuất viện.
Bệnh nhân nặng liên tục hồi phục và xuất viện
BV hồi sức COVID-19 TP.HCM (do BV Chợ Rẫy quản lý) có công suất 1.000 giường bệnh được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần BV Ung bướu TP.HCM Cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Sau gần hai tháng đi vào hoạt động, BV đã cứu sống nhiều BN COVID-19 nặng và nguy kịch. Trong ngày 3-9, có 18 BN lớn tuổi, nhiều bệnh nền đã được điều trị khỏi, cho ra viện.
Ngày 3-9, làm việc với tổ công tác Bộ Y tế, BS CKII Trần Thanh Linh đang túc trực điều trị tại đây cho biết: Hiện BV có gần 800/1.000 giường đi vào hoạt động. Trong đó, có gần 200 BN phải thở máy. Thiết bị y tế, bao gồm những máy móc hiện đại nhất cũng như lực lượng tinh nhuệ được Bộ Y tế và nhiều cơ sở liên tục đưa vào để xuyên ngày đêm cứu các BN nặng.
Tại BV hồi sức COVID-19, nhiều ca bệnh khó đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Điển hình như một số BN cao tuổi hay sản phụ có nhiều bệnh nền. Đa số BN được chuyển đến đều trong tình trạng diễn biến xấu.
“Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có các BN được điều trị khỏi và làm thủ tục cho xuất viện. Những người khỏi bệnh được xe đưa về tận nhà. Những người cao tuổi hay có khó khăn trong đi lại được nhân viên y tế dìu đỡ, túc trực bên cạnh, đưa về tận tình. Chúng tôi cũng dặn dò BN về nhà theo dõi thêm sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể lực để dần trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như trước kia” - BS Linh chia sẻ.
Phối hợp nhịp nhàng với các bệnh viện tuyến dưới
Để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, BV hồi sức COVID-19 TP.HCM kết nối trực tuyến, hội chẩn thường xuyên với các BV tuyến dưới để nắm chắc tình hình các ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên. Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới (tuyến dưới) có thể chăm sóc, điều trị được thì BV hồi sức COVID-19 lại chuyển xuống để nhường giường cho BN nguy kịch khác.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dẫn đầu tổ công tác Bộ Y tế đánh giá: Công tác điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đang phát huy hiệu quả cao. Việc phân loại BN là rất quan trọng. Các BN bệnh nền nhiều, lớn tuổi, nguy cơ cao thì giữ lại, các BN trẻ, chuyển độ nhẹ thì phối hợp nhịp nhàng chuyển về tuyến dưới là rất hợp lý. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên mà còn cứu được nhiều BN nguy kịch khác.
Theo ông Khoa cũng như BS Linh, các tuyến dưới cần nắm chắc từng chuyển biến của các ca bệnh. Bởi nếu chuyển thành nguy kịch rồi thì cứu chữa rất khó khăn. “Có ca bệnh đưa lên đây phổi đã xơ cứng. Quét siêu âm vào thấy xơ hóa hết. Có BN đến bên “cửa tử” khi mới ngoài 20 tuổi. Thế nên từng y bác sĩ tại đây phải chạy đua để giành giật sự sống. Cũng may ngoài lực lượng y tế, các tình nguyện viên tôn giáo đã hỗ trợ chăm sóc người bệnh rất nhiều”.
Điều kỳ diệu ở trung tâm hồi sức trong hầm để xe
Trước sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19, BV dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã trưng dụng hầm để xe của chung cư để thiết lập trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 với quy mô 200 giường.
BV dã chiến số 3 đi vào hoạt động từ ngày 8-7 với quy mô trên 2.500 giường. Ban đầu BV chủ yếu điều trị các F0 không có triệu chứng. Tuy nhiên, sau đó BV được phép điều trị những BN có triệu chứng nhẹ và vừa. Phòng cấp cứu của BV luôn quá tải nên việc thiết lập một trung tâm hồi sức tích cực ngay tại đây trở thành nhu cầu cấp bách, thiết thực phục vụ cho người bệnh.
Chiều 5-9, BS CKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa lâm sàng (BV dã chiến số 3), cho biết: Hiện khu cấp cứu có 52 BN (trong đó có bốn người thở máy, bốn người thở HFNC). Khu hồi sức có chín người (ba người thở HFNC). Tại đây, các y bác sĩ cùng đội ngũ tình nguyện viên phải hối hả làm việc ngày đêm. Ngày 5-9, BV đã cho xuất viện 115 trường hợp được điều trị khỏi. Tổng số BN được xuất viện từ khi BV đi vào hoạt động đến nay là 5.300 người.
Các y bác sĩ tại BV dã chiến số 3 kết hợp điều trị với động viên tâm lý. Ngoài ra, BN còn được đảm bảo về chế độ dinh dưỡng. Các quy định về phòng chống dịch cũng thực hiện tốt. Các phòng bệnh đều lập group trên Zalo để kết nối giữa BN và thầy thuốc, khi có gì bất thường y bác sĩ nắm bắt ngay để có biện pháp ứng phó.•
Gần 10.000 người khỏi bệnh trong ngày
Ngày 6-9, cả nước có 9.730 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 301.457 ca. Theo thống kê sơ bộ, số BN nặng đang điều trị là 6.407 ca, trong đó: Thở ôxy qua mặt nạ 4.128 ca; thở ôxy dòng cao HFNC 1.196 ca; thở máy không xâm lấn 142 ca; thở máy xâm lấn 909 ca; ECMO 32 ca.
Trước 10-9, cần lập kế hoạch chi tiết tiêm vaccine ngừa COVID-19 tới từng quận, huyện
Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 với bốn địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương vào sáng 6-9.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vaccine ngừa COVID-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% lượng vaccine trên cả nước.
Theo dự kiến, trong tháng 9 và quý IV, lượng vaccine về nhiều, đặc biệt với các loại vaccine như AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương nghiêm túc thực hiện Công điện 1102 của Thủ tướng.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần có kế hoạch chi tiết về tiêm chủng vì sau ngày 15-9, mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác nhau. Khi đó, mỗi địa bàn cần hình thức tổ chức tiêm chủng khác nhau.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/nhieu-benh-nhan-covid19-nang-duoc-hoi-sinh-ngoan-muc-1013628.html