Nhiều bệnh viện ở TP.HCM gặp khó khăn khi chuyển đổi số

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc chuyển đổi số tại các bệnh viện ở TP.HCM vẫn còn chậm và nhiều khó khăn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cốt lõi là thiếu kinh phí và nhân lực chuyên trách để vận hành hệ thống.

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, BSCKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho hay, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành y tế nói riêng, Ban Giám đốc bệnh viện đã phổ biến chủ trương chuyển đổi số cho tất cả nhân viên bằng việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và hướng tới y tế thông minh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng đã có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số.

Cũng theo bác sĩ Khanh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai chuyển đổi số nhiều năm nay và hướng tới bệnh án điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh viện gặp khó khăn đó là thiếu nguồn kinh phí lớn để đầu tư bởi bệnh viện tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng "vướng" ở nguồn nhân lực đòi hỏi trình độ và mức lương cao. Dự kiến, trong quý 2 và quý 3 năm 2023, bệnh viện sẽ có bệnh án điện tử và một số mục trong quy trình chuyển đổi số ở mức cơ bản.

Trước những khó khăn, theo Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ở cấp quốc gia tất cả các tỉnh thành nên có một trung tâm công nghệ thông tin, data dữ liệu lớn để đầu tư mang tính chất tập trung, sau đó các cơ sở y tế và các ngành khác sử dụng thì sẽ tiết kiệm được kinh phí. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần có định mức và khung về mức đầu tư cho công nghệ thông tin và được cơ cấu vào giá viện phí. Ngoài ra cũng cần ngân sách đầu tư chuyển đổi số chung cho quốc gia, các tỉnh thành, cơ sở.

Chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, thanh toán viện phí đã hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh.

Chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, thanh toán viện phí đã hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh.

Tình trạng gặp khó khăn khi chuyển đổi số không phải chỉ gặp ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, BSCKII Lương Thanh Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi số nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết, bệnh viện đã có một số giải pháp để quản trị nhân sự, tài chính, trang thiết bị vật tư, cơ cấu mô hình bệnh tật, hoạt động khám chữa bệnh… Từ đó, nâng cao chất lượng khám và điều trị phù hợp với phác đồ, giảm áp lực điều phối, tiết kiệm nhân sự, tăng sự hài lòng của người dân...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số của bệnh viện này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như bệnh viện phải in thủ tục ra để thanh quyết toán BHYT… Cơ sở y tế cũng đối mặt với an toàn bảo mật thông tin của người bệnh khi thực hiện khám bệnh hay tư vấn trực tuyến, xem hồ sơ bệnh án trên điện thoại... Đơn vị quản lý đối mặt với các an toàn bảo mật thông tin.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn là sự thiếu hụt nhân viên công nghệ thông tin (lương và chế độ cho bộ phận công nhệ thông tin còn giới hạn) khiến cho quá trình chuyển đổi số theo y tế thông minh gặp khó khăn. Cùng đó, trình độ, nhận thức và thói quen dùng tiền mặt của người dân còn hạn chế.

Trước nhiều khó khăn đó, theo BS. Lương Thanh Tùng, Bệnh viện Bình Dân cần khoảng 30 tỷ cho hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó xây dựng trung tâm data center cho tòa nhà mới, các loại thiết bị bức tường lửa, nâng cao trang thiết bị đang có, đầu tư các ki ốt… Ngoài ra, bệnh viện cũng cần nâng cao trang thiết bị hạ tầng.

Cũng chung quan điểm với lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cũng nhìn nhận thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức khi triển khai hoạt động chuyển đổi số đối với các cơ sở y tế.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, những khó khăn nêu trên không chỉ riêng tại Bệnh viện Bình Dân. Hiện tại có rất nhiều khó khăn như hạ tầng công nghệ chưa tương thích với phạm vi và quy mô triển khai các ứng dụng, chưa thống nhất được ngôn ngữ dùng chung khi xây dựng các phần mềm ứng dụng. Ngoài ra, dữ liệu giữa các bệnh viện, cơ sở y tế với nhau chưa tương thích do được xây dựng từ những thập niên trước.

Đặc biệt, trong khi hầu hết các bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, nhưng chi phí đầu tư công nghệ thông tin thì lại chưa được cơ cấu vào giá viện phí, do đó bệnh viện gặp khó trong đầu tư và tái đầu tư công nghệ thông tin. Các dự án đầu tư công cho công nghệ thông tin còn kéo dài và phức tạp. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi thói quen của nhân viên y tế trong môi trường số phải số hóa theo.

Do vậy, ngành y tế cần sự hỗ trợ ngân sách để đầu tư hạ tầng cho các cơ sở y tế. Ông Dũng cũng cho rằng, cần có sự hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho quản lý trên môi trường bệnh án điện tử.

"Tới đây sẽ có những giải pháp và kiến nghị với UBND TP, HĐND, ví dụ như các cơ sở đang khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng, lưu trữ, an ninh mạng, bảo mật. Nên chăng thiết lập trung tâm data center lưu trữ dữ liệu cho các cơ sở y tế", Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng nói.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 749/QĐ-TTg "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, y tế là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong tám lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số trước mắt, và được xác định là "lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước".

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-benh-vien-o-tphcm-gap-kho-khan-khi-chuyen-doi-so-169230329160120139.htm