Nhiều bệnh viện ở TP.HCM quá tải, người bệnh BHYT vật vã chờ đợi

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải, người bệnh BHYT vật vã chờ khám. Từ tuyến huyện đến tuyến cuối, tình trạng đông đúc kéo dài. Ngành y tế đang gấp rút triển khai các giải pháp giảm tải, ứng phó với lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

Áp lực khám BHYT chưa có điểm dừng

Tình trạng quá tải bệnh nhân khám Bảo hiểm y tế (BHYT) ở TP.HCM không chỉ diễn ra ở các bệnh viện lớn tuyến cuối, mà còn lan rộng đến nhiều cơ sở y tế tuyến huyện.

Ông Lê Văn Tí, 80 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh chờ đợi hơn 40 phút mà chưa đến lượt lấy thuốc (Ảnh: Kim Dung)

Ông Lê Văn Tí, 80 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh chờ đợi hơn 40 phút mà chưa đến lượt lấy thuốc (Ảnh: Kim Dung)

Người bệnh mất nhiều thời gian xếp hàng chờ khám, có khi đến nửa ngày. Trước thực trạng này, các bệnh viện đang nỗ lực cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ nhằm giảm tải, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân.

Đi từ sáng sớm, nhưng sau hơn 2 giờ khám bệnh, ông Lê Văn Tí (80 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chưa thể rời khỏi Bệnh viện huyện Bình Chánh.

Ông tiếp tục ngồi chờ thêm hơn 40 phút để nhận thuốc BHYT. Là bệnh nhân mãn tính đã hơn 15 năm gắn bó với việc khám chữa bệnh tại đây, ông Lê Văn Tí cho biết, dù cơ sở vật chất được cải thiện, tình trạng đông đúc vẫn khiến thời gian chờ đợi kéo dài.

"Vào khám xong rồi ra nộp đơn thuốc, trung bình chờ 40 phút đến 1 giờ đồng hồ. Mấy trăm người chờ mà chỉ có một người đọc tên lấy thuốc rồi còn phải ký 2 lần. Người già đâu biết tên nằm chỗ nào, chỉ nhiêu đó là cứ người sau phải chờ người trước lâu lắm", ông Tí cho hay.

Lấy ý kiến góp ý của người bệnh để cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (Ảnh: Kim Dung)

Lấy ý kiến góp ý của người bệnh để cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (Ảnh: Kim Dung)

So với thời điểm trước năm 2018, khi còn hoạt động tại cơ sở cũ, Bệnh viện huyện Bình Chánh chỉ tiếp nhận khoảng 800 - 1.000 lượt khám mỗi ngày. Hiện nay, con số này tăng gấp đôi, dao động từ 1.600 - 1.700 lượt, thậm chí lên đến 2.000 lượt vào những ngày cao điểm.

Theo BS.CK2 Phạm Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Đơn cử, dịch vụ khám sớm từ 5 giờ sáng đã thu hút 90–100 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Đồng thời, bệnh viện cũng tăng số bàn khám, bổ sung nhân lực vào các khung giờ cao điểm.

Dù từ năm 2024, ứng dụng VN Care cho phép đăng ký khám trực tuyến đã được triển khai, giúp bệnh nhân đặt lịch trước và rút ngắn quy trình, phần lớn người cao tuổi vẫn giữ thói quen đến trực tiếp, gây ùn ứ vào buổi sáng.

Tại đây, có khoảng 90% lượt khám là bệnh nhân BHYT, trong đó 25–30% đến từ các tỉnh, thành khác. BS Phạm Nguyễn Anh Vũ thừa nhận, dù đã nỗ lực, bệnh viện vẫn đối mặt với tình trạng ùn ứ cục bộ. Nguyên nhân một phần do trục trặc từ cổng thông tin BHYT quốc gia gây chậm trễ tra cứu.

Mặt khác, phần mềm quản lý của bệnh viện, được xây dựng từ năm 2018 với công suất thiết kế cho 1.000 lượt/ngày, hiện phải gồng gánh gấp đôi số lượng này nên thường xuyên quá tải.

Tại quầy đăng ký khám ở BV TP Thủ Đức, số thời gian chờ đợi sẽ được hiển thị trên màn hình để người dân cân nhắc sắp xếp (Ảnh: Kim Dung)

Tại quầy đăng ký khám ở BV TP Thủ Đức, số thời gian chờ đợi sẽ được hiển thị trên màn hình để người dân cân nhắc sắp xếp (Ảnh: Kim Dung)

Bệnh viện đã có kế hoạch nâng cấp hệ thống trong năm nay, song gặp khó khăn về kinh phí. Về nhân sự, dù đã bổ sung, bệnh viện vẫn thiếu nhân lực trong các khung giờ cao điểm, đặc biệt từ 9 giờ 30 đến 11 giờ sáng.

“Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện thường xuyên đánh giá lại toàn bộ quy trình khám chữa bệnh xem có những gì tồn tại làm ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi của người bệnh. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục có những giải pháp, đặc biệt giải pháp tăng cường nhân lực trong giờ cao điểm, để giảm ùn ứ, giảm thời gian chờ và tăng độ hài lòng của người bệnh”, bác sĩ Vũ cho hay.

Tương tự, tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, lượng bệnh nhân BHYT cũng đổ về rất đông từ sáng sớm đến trưa, khiến các khu vực sảnh, hành lang, phòng khám luôn trong tình trạng chật kín. Hàng dài người bệnh kiên nhẫn chờ đợi tại các phòng xét nghiệm và khu vực lấy thuốc.

BS.CKII Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết, mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 3.500 đến 4.500 lượt khám bệnh, những ngày cao điểm có thể lên đến hơn 5.000 lượt.

Nhiều ứng dụng để giảm thời gian cho người bệnh (Ảnh: Kim Dung)

Nhiều ứng dụng để giảm thời gian cho người bệnh (Ảnh: Kim Dung)

Giải pháp tức thời, cần tầm nhìn tương lai

Trước thực trạng quá tải, bệnh viện đã chủ động tăng số bàn khám, thường xuyên họp phân tích nguyên nhân ùn ứ để điều chỉnh nhân sự các khoa một cách phù hợp, đồng thời luân phiên bác sĩ - điều dưỡng đến hỗ trợ những khu vực tập trung đông bệnh nhân.

Bệnh viện cũng chủ động phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng vào: người tái khám, khám chuyên khoa hay khám thông thường đều được hướng dẫn đến đúng khu vực, tránh tình trạng tập trung tại một điểm.

Song song đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khâu tiếp nhận và thanh toán cũng góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi. Đặc biệt, bệnh viện còn triển khai phòng khám theo lịch hẹn qua tổng đài hoặc ứng dụng di động (app), giúp giảm áp lực đáng kể vào giờ cao điểm và tối ưu hóa nguồn lực bác sĩ.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế được đào tạo liên tục để nâng cao tốc độ phục vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng chuyên môn.

BS.CKII Hoàng Văn Dũng cho hay: "Ở khâu phát thuốc, chúng tôi đang từng bước triển khai quy trình cải tiến là khi bác sĩ đã kê tỏa trên bệnh án điện tử, thông tin đã được phản ánh ở bộ phận phát thuốc khoa Dược, các nhân viên soạn sẵn. Khi người bệnh làm hoàn thành thủ tục thanh toán xuống tới khoa dược thì đã có thuốc sẵn rồi”.

Trong khi đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng đang đối mặt áp lực khổng lồ do số lượng bệnh nhân ung thư mới không ngừng gia tăng.

TP.HCM lo ngại tình trạng quá tải nhiều hơn khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Kim Dung)

TP.HCM lo ngại tình trạng quá tải nhiều hơn khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Kim Dung)

BS.CKII Võ Hồng Minh Phước, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ rằng, nhiều bệnh nhân đến từ rất sớm với mong muốn hoàn tất các thủ tục khám, xét nghiệm trong ngày để tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, gây nên tình trạng quá tải nghiêm trọng vào đầu giờ sáng. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại ngày càng tăng, trong khi nguồn lực của bệnh viện chưa theo kịp, dẫn đến việc người bệnh phải chờ đợi lâu hơn.

Để giảm tải, bệnh viện đã điều chỉnh giờ khám và xạ trị bắt đầu sớm hơn, từ 5 giờ sáng và kéo dài đến gần nửa đêm. Các ca phẫu thuật ngoài giờ hành chính và hóa trị vào ngày thứ Bảy cũng được triển khai nhằm giãn bớt số lượng bệnh nhân trong các ngày làm việc của tuần.

Ngoài ra, bệnh viện khuyến khích người bệnh sử dụng kênh đặt lịch khám qua ứng dụng (app) và website. Các hình thức thanh toán viện phí, BHYT trực tuyến, cũng như việc trả kết quả xét nghiệm qua mạng đang được mở rộng nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi trực tiếp tại bệnh viện.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM mới sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải hệ thống y tế ở mức độ nghiêm trọng. Dự kiến, tổng lượt khám ngoại trú và điều trị nội trú sau sáp nhập có thể vượt ngưỡng 51 triệu và 3,8 triệu lượt mỗi năm. Hiện tại, TP.HCM đã gánh hơn 30% tổng số lượt khám và 23% tổng số ca điều trị nội trú của cả nước.

Để ứng phó với kịch bản này, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất quy hoạch lại mạng lưới y tế theo mô hình đa trung tâm, đồng thời phát triển các cơ sở 2, cơ sở 3 của những bệnh viện tuyến cuối tại các khu vực giáp ranh. Sở cũng kiến nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026–2030, bổ sung 16 dự án y tế mới, nâng tổng vốn đầu tư từ hơn 58.000 tỷ đồng lên trên 65.000 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, thành phố còn đề xuất 6 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực còn thiếu hụt nguồn lực như phục hồi chức năng, tim mạch và y học cổ truyền.

Một giải pháp căn cơ khác được nhấn mạnh là việc cải thiện chế độ đãi ngộ nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng giỏi, đặc biệt tại các bệnh viện ở vùng ven và cửa ngõ thành phố.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-benh-vien-o-tphcm-qua-tai-nguoi-benh-bhyt-vat-va-cho-doi-post1201841.vov