Nhiều bệnh viện sai sót trong mua sắm vật tư y tế, đấu thầu thuốc
Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định được Thanh tra TP xác định có nhiều sai sót trong đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư y tế.
Phó chánh Thanh tra TP.HCM Trần Đình Trữ vừa ký kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2014 đến 30/9/2019.
Qua thanh tra việc mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, Thanh tra TP.HCM xác định Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng 1 có sai sót trong áp dụng hình thức đấu thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế. Các sai sót này chủ yếu diễn ra trong năm 2014, 2015.
Mua sắm không qua đấu thầu
Bệnh viện Ung Bướu được xác định có sai sót về trình tự, thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013 vì không ban hành quyết định thành lập bên mời thầu khi mua sắm trang thiết bị y tế. Bệnh viện cũng thực hiện 32 gói thầu mua sắm trực tiếp mà không đấu thầu rộng rãi.
Tương tự, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng mua sắm trực tiếp 15 gói trang thiết bị y tế mà không đấu thầu rộng rãi. Thêm vào đó, từ năm 2014 đến 2017, bệnh viện này áp dụng tính giá trung bình cộng để lập dự toán gói thầu vật tư y tế thay vì áp dụng giá thấp nhất. Từ năm 2018, bệnh viện đã thay đổi và không còn lặp lại các sai sót kể trên.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 có các sai sót như sau: Chưa lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế 5 năm; có thiếu sót trong 2 gói thầu mua sắm thiết bị; một gói thầu không thể hiện hình thức lựa chọn nhà thầu.
Trong đấu thầu thuốc chữa bệnh, 3 bệnh viện này tiếp tục có một loạt sai sót trong đấu thầu. Cụ thể, cả 3 đơn vị không hủy thầu với các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu.
Riêng Bệnh viện Ung Bướu có các sai sót gồm: Không phạt vi phạm hợp đồng với công ty không cung cấp thuốc theo kết quả lựa chọn nhà thầu; không đăng tải kế hoạch và kết quả chọn nhà thầu năm 2016; không đăng tải thông tin mua sắm trực tiếp trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sở Y tế cũng chậm trễ trong phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2018-2019 tại Bệnh viện Ung Bướu.
Chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần 258 tỷ
Thanh tra TP.HCM xác định tính đến tháng 12/2019, TP còn phát sinh 218 tỷ đồng nợ đọng tiền bảo hiểm y tế. Cùng với đó, tính đến tháng 9/2019, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt quỹ, vượt trần năm 2017 của 151 cơ sở khám, chữa bệnh là 258 tỷ đồng. Số tiền này cùng 186 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh vượt trần năm 2018 đều chưa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chấp nhận thanh toán.
Thanh tra lý giải nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chủ yếu do số lượt bệnh nhân tăng hàng năm nhưng dự toán chi phí bảo hiểm y tế không tăng, dẫn đến vượt dự toán.
Về nguồn kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm y tế, Thanh tra TP nhận định Giám đốc Sở Y tế và Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế có trách nhiệm trong việc đề xuất chậm trễ, kéo dài từ 5-10 tháng, về việc sử dụng nguồn kinh phí này năm 2015, 2016.
Qua rà soát, Thanh tra TP.HCM kết luận Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1, Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn và Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An có sai sót trong thực hiện hồ sơ chẩn đoán dịch vụ kỹ thuật. Từ đó dẫn đến việc thanh toán sai hơn 28 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các đơn vị này cũng sai sót trong giá thuốc đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế với số tiền 2,6 tỷ đồng.
Riêng Bệnh viện Ung Bướu đã sai quy định khi không xây dựng danh mục vật tư y tế với 23 mặt hàng gửi Bảo hiểm Xã hội TP để thanh toán.
Ngoài ra, 109 mặt hàng thuốc thanh toán bảo hiểm y tế của bệnh viện này từ năm 2011 đến 2013 được mua sắm theo giá thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng số tiền 28 tỷ đồng. Thanh tra xác định hình thức mua sắm này chưa đúng quy định của Luật Đấu thầu 2013.
Bảo hiểm Xã hội TP đã thu hồi chi phí ngoài phạm vi bảo hiểm y tế với 5 đơn vị kể trên là 2,6 tỷ đồng và Bệnh viện Ung Bướu là 3,2 tỷ đồng.
Vớt các sai sót kể trên của các bệnh viện, Thanh tra TP giao trách nhiệm cho Sở Y tế, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội, giám đốc các bệnh viện có sai sót và nhiều đơn vị liên quan để có phương án xử lý, tháo gỡ vướng mắc.