Nhiều bí ẩn chưa được giải mã ở đền Mẫu Dao Trì

Tọa lạc giữa lưng chừng núi Tam Đảo, ngôi đền Mẫu Dao Trì có địa thế cheo leo, u tịch với kiến trúc đậm chất cổ điển khiến du khách khi tới đây đều muốn một lần đặt chân khám phá. Và những giấc mơ kỳ lạ, những câu chuyện mang 'hồn của muôn năm cũ'… vẫn là những bí ẩn chưa được giải mã…

Cụ bà dành trọn đời xây đền

Chúng tôi đến đền Mẫu Dao Trì trong buổi sớm mai, từ trung tâm thị trấn Tam Đảo đi bộ xuống chỉ mất khoảng 5-7 phút. Lối vào đền sâu hun hút, hai bên là những cây xanh um tùm, nhưng càng đi, càng thấy sự kỳ công, nhất tâm kiên trì của người xưa khi tạo dựng.

Linh thiêng đền Mẫu Dao Trì

Linh thiêng đền Mẫu Dao Trì

Cánh cửa nhỏ bằng sắt mở ra, người con trai của cụ thủ đền tươi cười mời chúng tôi vào trong uống nước, vãn cảnh. Ngồi dưới tán cây vải hơn 100 năm tuổi, ông Nguyễn Thế Tài (62 tuổi) chia sẻ: “Từ giấc mơ kỳ lạ báo mộng cho mẹ tôi là cụ Nguyễn Thị Khánh, có người xưng là Thánh Mẫu than thở ngôi đền bị thất lạc trên núi Tam Đảo và truyền lệnh đi tìm, thế là mẹ tôi chỉ nói với các con - “mẹ đi chùa, lên núi”.

Ai ngờ sau cái ngày ấy, mẹ tôi lên Tam Đảo và ở luôn trên này không về nữa. Vốn đã từng làm công đức, tu công quả ở nhiều đình, chùa khắp nơi, nên việc lên núi ở lại để xây dựng đền, chùa là đúng với mong ước của mẹ.

Khi ấy, mẹ tôi đã 62 tuổi, đang là hội viên, Phó Chủ tịch Hội Chân tâm bảo trợ di tích (thuộc Hội Sử học Hà Nội). Vì tâm đức của mình mà bỏ lại tất cả, cả nhà cũng thi thoảng rời thủ đô lên thăm mẹ”.

Cụ là Nguyễn Thị Khánh (sinh năm 1926), năm 1989, cụ một mình “khăn gói lên núi”. Khi ấy toàn bộ khu đất đền hiện nay còn là nơi ở của nhà Bưu điện. Nhiều giấc mơ kỳ lạ với những cán bộ từng làm việc ở đây và nơi đất thiêng khiến trụ sở Bưu điện phải rời đi, bởi nơi này vốn là di tích đền, chùa thời Pháp thuộc bị phá hủy. Còn lại nền móng cũ, cụ Khánh đã nhất tâm và chuộc lại được toàn bộ khu này để đầu tư tôn tạo lại ngôi đền.

Một mình người phụ nữ ở tuổi 62 xoay xở với cả một khu đất rộng gần 1.000 m2 để xây dựng lại ngôi đền sẽ ra sao? Tôi thắc mắc thì ông Tài kể tiếp: “Năm 1989 lên núi, thì năm 1990 mẹ tôi bắt tay vào khôi phục, tu bổ và xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ. Thời đó, việc xây dựng khó khăn vô cùng, đường lên thị trấn Tam Đảo là đường một chiều, sáng lên núi thì chiều mới được xuống. Nhất là việc chuyển vật liệu xây đền lên núi rất khó khăn, đền lại nằm ở thế cheo leo trên cao.

Tôi còn nhớ, cụ cũng huy động được những người dân quanh ở đây giúp sức xây đền. Cụ cùng thợ ngày 2 bữa chỉ ăn rau su su chấm muối vừng quanh năm… thế mà cuối cùng ngôi đền cũng xây xong trong 2 năm. Cả một đời xây đền, tích cóp được chút tiền nào là mỗi năm cụ lại sang sửa một ít.

Cho đến cuối đời, trước khi mất, mẹ tôi mới dừng lại nghỉ ngơi chút cho riêng mình. Lời của cụ trước khi ra đi căn dặn chúng tôi phải giữ trọn đạo với đời, không được kinh doanh dịch vụ trên đất tâm linh, không thu tiền khi người dân đến tham quan, chiêm bái, không được để diễn ra các hoạt động mê tín dị đoan tại đây”.

Huyền bí linh thiêng ngôi đền

Cho đến giờ, tên gọi đền Mẫu Dao Trì (hay còn gọi là đền Tiên Thiên Thánh Mẫu) vẫn là một bí ẩn gây nhiều tranh luận. Nhiều du khách khi tới đây cho rằng, đền thờ Mẫu của người Dao nên có tên là “Dao Trì” hay đền nằm ngay điểm giao cắt đường nên gọi là “Giao”.

Cây vải 100 năm tuổi tỏa bóng mát nơi đền Mẫu Dao Trì

Cây vải 100 năm tuổi tỏa bóng mát nơi đền Mẫu Dao Trì

Ông Nguyễn Thế Tài (con trai của cụ Khánh) chia sẻ: “Trong đền còn có lời tựa của giáo sư Trần Quốc Vượng viết năm 1991, lúc khánh thành đền đã ít nhiều làm sáng tỏ điều này: “Người tín đồ tin rằng, Mẫu là mẹ thế gian thiêng liêng, quyền năng tối thượng sáng tạo ra muôn loài, Mẫu là một phần của tâm hồn nhân thế, người vì chúng sinh mà hóa độ. Buổi khởi nguyên, người là bà Âu Cơ, là Phật, là Quan Âm Thánh Mẫu, là công chúa Liễu Hạnh…”.

Trong đền có 2 ban chính: Ban Hội đồng Tiên Phật và Tam tòa Thánh Mẫu; ngoài ra còn có các ban Quốc Mẫu Vua Bà, Mẫu Địa, Mẫu Bán Thiên… Nhưng đáng chú ý là ban trong cung - thờ Tam tòa Thánh Mẫu gồm Đệ nhất Thượng thiên, Đệ nhị Thượng ngàn, Đệ tam Thoải phủ. Trong đền cũng có bức hoành phi được dịch - cung tiến năm Canh Ngọ (1930) thời Bảo Đại, điều này cũng gây nhiều tò mò cho các nhà sử học muốn lý giải và tìm hiểu về lịch sử ngôi đền.

Ngôi đền được cụ Nguyễn Thị Khánh dày công tâm sức tu sửa, xây dựng lại đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh cho cộng đồng và mỗi du khách khi đến với Khu du lịch quốc gia Tam Đảo. Dù nay cụ đã "về" với Mẫu trong một cõi linh thiêng, nhưng còn mãi những lời tri ân công đức về cụ khi nhắc đến ngôi đền.

Đi quanh thị trấn Tam Đảo, chúng tôi còn nghe người dân thôn 1, thôn 2 kể về sự bí ẩn ngôi đền từ xa xưa - những câu hỏi đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp? Rằng, bất kỳ ai nghỉ quanh ngôi đền hoặc chính trên đất đền trước khi được xây dựng lại đều nghe tiếng vó ngựa như đưa Mẫu, đưa các vị tiên thánh từ núi về trời? Và cây vải hơn 100 năm tuổi vươn tỏa hàng trăm cánh tay che chở cho ngôi đền quanh năm bóng mát, sự kỳ diệu của nó như một món quà dâng Mẫu, dâng đời những “quả ngọt” cho sự thiện lương, hạnh phúc và ấm no của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96846//nhieu-bi-an-chua-duoc-giai-ma-o-den-mau-dao-tri