Trọn tình với biển, đảo Tây Nam: Nơi thiên nhiên vẫy gọi (Bài 1)

Tháng 6, Đoàn công tác tỉnh Long An đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Chuyến đi có nhiều ý nghĩa nhưng hơn hết là đã gắn kết thêm tình quân - dân cá nước; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An với biển, đảo quê hương. Vùng biển xinh đẹp ấy đã trải qua những đau thương trong quá khứ nhưng ngày nay, biển Tây Nam phát triển mạnh mẽ bằng những nguồn lực nội tại và sự đóng góp vật chất lẫn tinh thần của cả nước.

Bài 1: Nơi thiên nhiên vẫy gọi

Trong những bài phát biểu tại các buổi trao quà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đều bày tỏ sự yêu mến vùng biển, đảo Tây Nam. Thiên nhiên đã ban tặng cho biển Tây Nam nguồn tài nguyên mà không phải nơi nào cũng có được.

Đó là một trong những động lực để người dân, chiến sĩ bám biển, bám đảo. Vẻ đẹp ấy “vẫy gọi” biết bao con người đến chiêm ngưỡng, thưởng lãm; thổi bùng lên ngọn lửa tự hào đối với quê hương, đất nước.

Đoàn cán bộ tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm bên biển trời xinh đẹp Tây Nam

Đoàn cán bộ tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm bên biển trời xinh đẹp Tây Nam

Vùng biển Tây Nam thuộc sự quản lý của Vùng 5 Hải quân, có biên giới tiếp giáp các nước: Thái Lan, Campuchia, Malaysia, diện tích 150.000km2. Khu vực có 5 quần đảo lớn gồm: An Thới, Bà Lụa, Hải Tặc, Nam Du và Thổ Chu. Đến thăm nhiều đảo, tiếp xúc nhiều lực lượng là cơ hội hiếm có, bởi vậy chúng tôi đều rất phấn khởi và trân trọng.

Đoạn đường từ sân bay Phú Quốc đến Tiểu đoàn 563 dài 17km. Phú Quốc giờ thay đổi khá nhiều, vẻ đẹp hiện đại thay thế cho nét hoang sơ vốn có. Đêm Phú Quốc ngắm pháo hoa đì đùng, ngày Phú Quốc xem khách du lịch chơi dù lượn,... Tất cả tạo nên vẻ đẹp của nơi được mệnh danh là “đảo ngọc”.

Theo các chiến sĩ trên Tàu 529, biển tháng 6 đẹp nhưng đẹp nhất là vào tháng 3, tháng 4. Thời điểm đó, biển trong vắt, nhiều đoạn đứng trên tàu có thể thấy cá lội từng đàn dưới nước. Chúng tôi may mắn đến đảo lúc trời trong nên được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất vẻ đẹp của biển. Bóng của mây trời hòa vào màu xanh của biển làm bật lên vẻ đẹp diệu kỳ. Tàu đến Hòn Đốc (quần đảo Hải Tặc) lúc 5 giờ sáng, chúng tôi tranh thủ đón bình minh trên biển Tây Nam. Mặt trời càng lên cao, Hòn Đốc hiện ra trước mắt, xanh rì. Hiện tại, Hòn Đốc vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ mà ít nơi nào có được với hàng dừa xanh, bãi cát trắng mịn,...

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi cảnh sắc nên Hòn Đốc ngày càng thu hút khách du lịch. Đến từ quận 12 (TP.HCM), chị Trần Thị Thanh Diệu chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ đến do tò mò với cái tên đảo Hải Tặc nhưng đến đây mới thấy bất ngờ trước vẻ đẹp hoang sơ, bình yên. Tôi được hòa mình vào làn nước xanh trong, mát rượi, được thảnh thơi dạo biển. Hải sản ở đây cũng rất tươi ngon, người dân thì thân thiện, hiếu khách. Chuyến đi này thật thú vị và chắc chắn tôi sẽ trở lại một ngày không xa”.

Rời Hòn Đốc, chúng tôi đến Nam Du, nơi được mệnh danh là “Hạ Long của phương Nam”. Nhìn từ tàu, Nam Du đẹp như mê lòng người với đảo xanh lặng yên bên sóng nước. Tàu đánh cá, tàu du lịch thấp thoáng khơi xa tạo nên bức tranh hữu tình.

Là một thành viên trong Đoàn công tác, chị Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết đã đến 62/63 tỉnh, thành phố. Hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng cả nước chị đều ghé thăm nhưng khi đứng trước cảnh đẹp hoang sơ của Nam Du, chị Hằng cũng không giấu được sự đam mê, thích thú.

Được hòa mình vào thiên nhiên, chúng tôi cảm thấy tâm hồn thư thái, thoải mái, những mệt nhọc cũng dần tan biến. Ở vùng biển này, mỗi mùa trong năm đều có vẻ đẹp riêng. Khi đến tận nơi, nhìn tận mắt mới có thể cảm nhận vẻ đẹp ấy một cách trọn vẹn.

Một góc biển Hòn Đốc

Một góc biển Hòn Đốc

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chính quyền và Nhân dân các xã đảo thuộc vùng biển Tây Nam luôn có ý thức giữ gìn. Tại xã Thổ Châu, công tác quản lý bảo vệ rừng được UBND xã quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Các lực lượng công an, quân sự tham gia phối hợp các đơn vị vũ trang, Trạm Kiểm soát Biên phòng trên địa bàn thực hiện tốt việc tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn biển. Cán bộ, chiến sĩ trên các trạm ra đa 600, 610, 625 cũng thường xuyên tổ chức Chương trình Ngày Thứ bảy, Chủ nhật xanh phối hợp các lực lượng dọn vệ sinh bờ biển,...

Người bám trụ lâu năm với biển, đảo còn cảm thấy đắm say trước phong cảnh hữu tình, huống gì chúng tôi, những người con của đất liền ra thăm đảo. Nhìn cảnh núi non thanh bình ấy, chúng tôi nghĩ về những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng mà biển, đảo Tây Nam đã trải qua. Điều đó được thể hiện phần nào trong những khu di tích lịch sử sống mãi cũng năm tháng./.

(còn tiếp)

Bài 2: Những dấu tích hào hùng

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tron-tinh-voi-bien-dao-tay-nam-noi-thien-nhien-vay-goi-bai-1--a178547.html