Nhiều bị can thương vụ MobiFone mua AVG được hưởng 'chính sách hình sự đặc biệt' thế nào?
Luật sư phân tích việc cơ quan điều tra đề nghị xem xét áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với các bị can vụ MobiFone mua AVG trong quá trình truy tố, xét xử.
Liên quan thương vụ MobiFone mua 95 % cổ phần AVG, cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" phù hợp khi truy tố, xét xử với cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ông Lê Nam Trà (cựu chủ tịch MobiFone), Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phan Thị Mai Hoa (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Tổng Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Trả lời PV VTC News về việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, chính sách hình sự là những tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm.
“Chính sách hình sự áp dụng chung theo nguyên tắc Hiến định là nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật chứ không có chính sách hình sự đặc biệt cho từng người, từng đối tượng”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, chính sách hình sự được thể hiện qua các văn bản của Đảng, qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật, tập trung ở bộ luật hình sự, bộ luật tố tụng hình sự... Trong đó, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thể hiện rất rõ chính sách trong xét xử hình sự.
Theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành thì nguyên tắc xử lý đối với tội phạm là: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần địa vị xã hội.".
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, khi lượng hình, trong vụ án có đồng phạm thì phải thực hiện nguyên tắc cá biệt hóa vai trò đồng phạm căn cứ vào yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi của từng bị cáo.
Bản án đưa ra được thực hiện nguyên tắc là “Nghiêm trị với người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. “Nghiêm trị với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội.”.
Pháp luật hình sự Việt Nam thể luôn hiện hai đặc tính cơ bản là nghiêm trị và nhân đạo. Tính nghiêm trị trong xét xử vụ án hình sự, áp dụng pháp luật hình sự thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên pháp luật cũng thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo đối với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh cụ thể.
“Sẽ khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”, luật sư Cường phân tích.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quá trình tố tụng trải qua 3 giai đoạn là giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử. Khi giai đoạn điều tra kết thúc thì cơ quan điều tra sẽ có kết luận điều tra, kết luận về kết quả điều tra vụ án và kiến nghị hình thức xử lý.
Trong vụ án này CQĐT kiến nghị viện kiểm sát truy tố để tòa án xét xử các bị can. Trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra cũng có thể đề nghị tòa án xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo đối với một hoặc một số bị cáo nào đó nếu có căn cứ cho rằng có bị can đó xứng đáng được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật theo quy định nêu trên...
"Tuy nhiên, chỉ là đề nghị của cơ quan điều tra, chưa phải là quyết định cuối cùng của vụ án. Để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi thế nào, đánh giá nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào khi lượng hình thì thẩm quyền thuộc về tòa án trong quá trình xét xử, theo kết quả tranh tụng tại phiên tòa", luật sư Cường nói.
Luật sư cho biết trong vụ án này nếu kết quả tranh tụng tại phiên tòa cho thấy các bị can được đánh giá là người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì tòa án sẽ quyết định một hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, với nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên việc quyết định hình phạt cụ thể như thế nào vẫn phải căn cứ theo nguyên tắc quy định tại điều 50 và Điều 54 Bộ luật Hình sự.