Nhiều bị cáo trong các vụ án tham nhũng không phục cách xác định thiệt hại

Vừa rồi rất nhiều bị can, bị cáo trong các vụ án tham nhũng tôi đang giải quyết đều không phục đối với cách xác định thiệt hại của Nhà nước để làm căn cứ xử lý hình sự đối với họ.

Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã đề cập đến sự bất cập trong thời điểm xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Có nơi tòa xử căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng lại có nơi căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố để xác định trách nhiệm hình sự.

Luật sư Trương Anh Tú.

Luật sư Trương Anh Tú.

Tuy nhiê, trong Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cụ thể về thời điểm xác định giá trị tài sản định giá. Việc này nằm trong nguyên lý chung của khoa học hình sự và khoa học về thẩm định giá. Nhà nước cũng có một số văn bản dưới luật để quy định, trong đó, hiện nay các thẩm phán căn cứ vào Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 30/12/2020.

Tại Điều 10 Nghị quyết số 03 về xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra nêu: Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra, nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.

Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau: Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn. Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Quy định trên nghe thì đơn giản nhưng khi áp dụng khá phức tạp. Ví dụ nếu không xác định được thời điểm vi phạm thì xác định thời gian định giá là lúc phát hiện ra hành vi phạm tội.

Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là khi ký các quyết định để giao đất cho doanh nghiệp với giá rẻ hoặc không thông qua đấu giá, đấu thầu thì rơi vào thời điểm 5, 10 năm về trước. Giá trị tài sản có sự chênh lệch biến đổi rất lớn giữa thời điểm khi thực hiện hành vi phạm tội và thời điểm hiện tại do cơn sốt đất trên cả nước.

Tuy nhiên, hầu hết được xác định thiệt hại của Nhà nước làm căn cứ xử lý hình sự là định giá theo thời điểm hiện tại, gây ra bất lợi lớn cho bị can, bị cáo. Điều này đi ngược lại nguyên tắc xét xử theo hướng có lợi cho các bị can, bị cáo và không đảm bảo tính khoa học.

Thực tế hành vi phạm tội đến đâu thì xử lý đến đó. Ví dụ bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là 1000 tỷ nhưng khi phát hiện ra và định giá tại thời điểm phát hiện là 5000 tỷ. Do đó, không thể lấy thời điểm thiệt hại ở thời điểm xử lý vụ án được, phải là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Còn việc tăng giá hay không thì không liên quan khoa học pháp lý về xác định thiệt hại để làm căn cứ xử lý hình sự đối với các bị can, bị cáo.

Ví dụ, trong vụ án Cố ý gây thương tích, anh xử tôi ở tội cố ý gây thương tích nhưng 5 năm sau bị hại vì vết thương đó mà qua đời, anh không thể nào lôi tôi ra xử lý tội giết người được.

Vừa rồi rất nhiều bị can, bị cáo trong các vụ án tham nhũng không phục đối với các xác định thiệt hại của Nhà nước để làm căn cứ xử lý hình sự đối với họ.

Ở đây cần phải có sự nhất quán chứ không được nước đôi. Không thể xác định được thời gian vi phạm pháp luật cho nên phải xử lý theo thời điểm mà xét xử vụ án hay khi phát hiện hành vi phạm tội. Nghe có khoa học nhưng nếu không phát hiện được thời gian phạm tội làm sao xử lý hình sự đối với các bị can, bị cáo.

Cho nên hướng dẫn hay không hướng dẫn mặc nhiên phải áp dụng vào các quy định của khoa học pháp lý để xác định rằng hành vi phạm tội đến đâu, ở thời điểm nào để xử lý đến đó.

Hiện nay hướng dẫn như này mỗi nơi xử một kiểu như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao. Nếu vậy sẽ không đảm bảo sự công bằng cũng như tính nguyên tắc áp dụng chung luật pháp với tất cả người vi phạm.

Do đó, cần phải sớm hướng dẫn nhất quán của Tòa tối cao, có thể hướng dẫn lại Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán, nhưng phải đảm bảo nhất quán một quan điểm, đường lối duy nhất, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội chính là thời điểm áp dụng tất cả các quy định trong đó có việc định giá để xử lý hình sự đối với các bị can, bị cáo.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm

Mời độc giả xem thêm video Tài sản tham nhũng nghìn tỷ đi đâu, về đâu?

Nguồn: VTC1

Hải Ninh (ghi)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nhieu-bi-cao-trong-cac-vu-an-tham-nhung-khong-phuc-cach-xac-dinh-thiet-hai-1820203.html