Nhiều bộ ngành đồng thuận phương án phân vùng của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Trong 2 phương án phân vùng mà Bộ KH&ĐT trình Chính phủ, phương án do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu được nhiều bộ, ngành đồng thuận.

Ngày 4/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia quy hoạch, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo Bộ KH&ĐT, phương án phân vùng là tiền đề để lập các quy hoạch vùng. Do đó, việc xây dựng và thông qua phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết để có cơ sở kịp thời lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện nay, Việt Nam được phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội gồm Trung du và Miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ, ngành về phương án phân vùng, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ 2 phương án phân vùng.

Phương án 1: Giữ nguyên 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc, tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc Nam Trung Bộ), điều chỉnh tỉnh Bình Thuận sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, phương án này được 1 bộ và 4 địa phương đồng thuận.

Phương án 2: Tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng là Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế ở vùng Bắc Trung Bộ), mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng, thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.

Phương án phân vùng 2.

Phương án phân vùng 2.

Với phương án này, vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh; vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang; vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế; vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Các vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố) vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Tính đến ngày 4/6, phương án 2 được 10/14 bộ, ngành và 49/59 địa phương chọn. Đây là phương án do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện.

Đặc biệt, đa số chuyên gia tham dự cuộc họp ủng hộ phương án 2.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ KH&ĐT đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng, sau đó tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng ngay trong tháng 6 này.

HÙNG SƠN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-nhanh-24h/nhieu-bo-nganh-dong-thuan-phuong-an-phan-vung-cua-pho-thu-tuong-trinh-dinh-dung-ar550179.html