Nhiều ca mắc lao màng não đồng loạt nhập viện, trẻ co giật vì biến chứng
Bệnh nhi là con thứ 12 trong gia đình. Khi nhập viện, trẻ có biểu hiện co giật, đầu to bất thường vì biến chứng, nhiều ổ lao bám trên màng não.
Đó là tình trạng của bệnh nhi 3 tháng tuổi nhập viện vì sốt kéo dài, co giật, yếu một tay. Sau khi điều trị ở địa phương không hiệu quả, mẹ bé đưa con từ Tây Nguyên vào TP.HCM.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay khi tiếp nhận, bác sĩ nhận thấy đầu của bệnh nhi to hơn so với cơ thể nhưng người nhà cho rằng bình thường. Các xét nghiệm sau đó khẳng định trẻ bị lao đa cơ quan (phổi và màng não). Đầu to vì não úng thủy là một biến chứng của bệnh lý lao màng não nặng.
Bác sĩ Quy cho biết bệnh nhi là con thứ 12 trong gia đình. Có thể do điều kiện sống, người mẹ không thể quan tâm đầy đủ hay nhận ra bất thường của trẻ.
"Màng não của trẻ bám đầy các nốt và ổ lao, xét nghiệm PCR cho kết quả lao đa kháng. Do trẻ nhập viện trễ, biến chứng nên điều trị khó khăn và sẽ để lại di chứng", bác sĩ Quy nói. Sau khoảng một tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (chuyên về lao và bệnh phổi).
Cùng thời điểm, một em bé 3 tháng tuổi khác cũng nhập viện vì lao màng não, xác định nguồn lây từ ông ngoại. Trẻ phải thở máy hơn một tuần và sử dụng thuốc kháng lao.
Theo bác sĩ Quy, tuần qua, khoa Nhiễm Thần kinh cùng lúc điều trị cho 6 ca lao màng não trong khi trước đây chỉ rải rác 1-2 bệnh nhi. Lao màng não là bệnh ít gặp, rất nặng, nhiều di chứng. Trẻ có thể bị điếc, mờ mắt, yếu liệt, di chứng thần kinh... nếu điều trị muộn. Tuy nhiên, diễn tiến sẽ tích cực hơn khi phát hiện sớm và uống thuốc kháng lao theo phác đồ.
“Chưa khi nào trong thời gian ngắn chúng tôi ghi nhận nhiều ca lao màng não như vậy. Khi kiểm tra, chỉ có 1/6 bệnh nhi có vết sẹo mờ của mũi vắc xin phòng lao BCG. Những trẻ còn lại có thể mũi tiêm chưa hiệu quả hoặc phụ huynh không nhớ rõ tiền sử tiêm ngừa của con”, bác sĩ Quy nói.
Theo các bác sĩ, vi khuẩn lao lây qua đường hô hấp, thông qua các hành động như khạc nhổ đờm, ho, hắt hơi, nói chuyện... xâm nhập vào máu gây ra các bệnh như lao hạch, lao màng bụng, lao da, lao xương, lao khớp, lao màng não, lao màng tim...
Vắc xin ngừa lao BCG đã có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, được khuyến cáo chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh càng sớm càng tốt.
Ngoài tiêm ngừa đầy đủ, người dân cần phát hiện triệu chứng sớm của bệnh lao như sốt, đặc biệt sốt về chiều, ho kéo dài, sút cân, biếng ăn, không tăng cân, vã mồ hôi để thăm khám sớm. Ngoài ra, cẩn trọng khi trẻ tiếp xúc với một nguồn lây lao, bao gồm cả người thân như ông bà, bố mẹ…
Người lớn, trẻ nhỏ có các biểu hiện sớm của lao nên đi khám và xét nghiệm chẩn đoán, tuân thủ điều trị, ngăn chặn tình trạng kháng thuốc, giảm lây lan trong cộng đồng.
Bác sĩ Quy nói thêm sau đợt dịch Covid-19, nhiều người bị ho kéo dài hoặc sốt. Tuy nhiên, người dân cho rằng nguyên nhân là hội chứng hậu Covid-19 mà quên đi nguy cơ bị lây nhiễm lao.