Nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ tử vong, TPHCM 'siết' dịch vụ làm đẹp

Những sai phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM đã khiến nhiều trường hợp tử vong. Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, ngày 9/2 UBND thành phố có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan siết chặt công tác quản lý đối với dịch vụ thẩm mỹ.

Trước đó, đầu tháng 12/2021, Bệnh viện Nhân Dân 115 TPHCM đã liên tục tiếp nhận 2 trường hợp tai biến thẩm mỹ dẫn đến tử vong. Trường hợp thứ nhất là chị H.T.N (31 tuổi, ngụ tại quận 8) đi hút mỡ bụng tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn Quận 1, TPHCM. Bệnh nhân chuyển đến cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tử vong.

Trường hợp thứ hai là cô gái trẻ N.T.P (24 tuổi, ngụ tại quận 10) vào Thẩm mỹ viện Diep Clinic (quận Tân Phú) để thẩm mỹ vùng lưng. Sau khi được thực hiện phương pháp ủ tê vùng lưng bệnh nhân đã co giật, khó thở, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức nhưng người bệnh quá nguy kịch và đã tử vong.

Một trường hợp bị tai biến thẩm mỹ được bác sĩ can thiệp cấp cứu

Một trường hợp bị tai biến thẩm mỹ được bác sĩ can thiệp cấp cứu

Trước đó, vào tháng 7/2021, BS Phan Đức Hồng (59 tuổi) phẫu thuật nâng ngực cho chị Nguyễn Thị T. (30 tuổi) tại phòng mạch của mình trên đường Mã Lò, quận Bình Tân. Khi đang thực hiện phẫu thuật thì chị T. rơi vào tình trạng tím tái, khó thở, rồi tử vong.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị N.T. (50 tuổi, ngụ tại Tân Bình). Ngày 16/10, bà T. đến Bệnh viện thẩm mỹ G.W trên địa bàn quận Tân Bình để hút mỡ. Bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng bà T. cũng không qua khỏi.

Thực tế trên khiến TS.BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội thẩm mỹ TPHCM bức xúc cho rằng: “Tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ đang diễn ra “bát nháo”. Nhiều người chỉ học spa ra nhưng lên mạng dạy đủ các kỹ thuật thẩm mỹ. Bác sĩ không phải chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đang đua nhau đi mổ lậu tại các spa và thẩm mỹ viện. Một số bác sĩ có học và được cấp chứng chỉ tạo hình thẩm mỹ chỉ được phép thực hiện các kỹ thuật gây tê tại chỗ nhưng đã làm vượt chức năng”.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM vừa ký văn bản yêu cầu các sở ngành, quận huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.

Theo đó, chính quyền các quận huyện phải có trách nhiệm tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, đăng ký tên của nhóm đối tượng kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ theo đúng quy định. Các đơn vị liên quan phải tăng cường hậu kiểm để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu... phải đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Thành phố yêu cầu khi phát hiện cơ sở vi phạm phải xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép.

UBND TPHCM đề nghị Sở Y tế mở rộng phần mềm ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng phản ánh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Công an TPHCM có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra đối với các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ, thực hiện hậu kiểm sau công bố đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép.

Để ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai quy định, UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, xử lý các cơ quan báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử, cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội vi phạm về quảng cáo, đặc biệt vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ.

Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-ca-phau-thuat-tham-my-tu-vong-tphcm-siet-dich-vu-lam-dep-post1414883.tpo