Nhiều cách làm hay trong xây dựng, bảo vệ môi trường
Cùng với các cấp chính quyền, ngành chức năng, hội viên nông dân, phụ nữ, người dân,... chung tay, góp sức thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) hay, thiết thực, hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh Long An.
1. Nhiều địa phương trong tỉnh phối hợp các sở, ngành triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động trong công tác xây dựng, BVMT. Ngoài phối hợp vận động, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về môi trường, địa phương cùng ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các hội, đoàn thể phát động, thực hiện nhiều mô hình BVMT. Những mô hình này thiết thực, phù hợp thực tế, phát huy hiệu quả, góp phần lan tỏa, kêu gọi cộng đồng hành động vì một môi trường sống trong lành, sạch, đẹp, thân thiện.
Diện mạo xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường thay đổi rõ nét trong thời gian gần đây. Xã cùng người dân thực hiện một số mô hình: Trồng hoa trên các tuyến đường và trong khuôn viên nhà, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải,... góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới.
Theo ông Hoàng Trí Hóa (ấp 2, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường), xã phát động nhiều mô hình thiết thực giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng, BVMT. Người dân không còn vứt rác bừa bãi. Các tuyến đường được trồng cây xanh, hoa. Môi trường trong lành, cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn. “Gia đình tôi còn tham gia trồng hoa trong khuôn viên nhà, trước sân, ven trục đường chính theo phát động của địa phương, góp phần làm cho diện mạo của vùng biên giới thêm đẹp” - ông Hóa nói.
Xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường cũng thực hiện nhiều mô hình BVMT hay, thiết thực, góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương. Môi trường được cải thiện đáng kể. Bí thư Đảng ủy xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm cho biết: “Xã đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao nên tập trung các biện pháp, giải pháp để giữ vững, nâng chất các tiêu chí. Đối với tiêu chí môi trường, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, xã xây dựng một số mô hình BVMT như duy trì tổ thu gom rác sinh hoạt; xây dựng hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; ra quân thu gom rác thải, trồng cây xanh, hoa hai bên đường;...
Nhờ đó, nhận thức của người dân về BVMT ngày càng nâng cao, tự giác phối hợp trong công tác BVMT. Xã tiếp tục duy trì các hoạt động, mô hình hiệu quả; đồng thời, nghiên cứu để thực hiện thêm một số mô hình mới phù hợp với thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống trên địa bàn”.
Thông tin từ Phòng TN&MT thị xã Kiến Tường, thị xã tập trung nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể. Thị xã tập trung đầu tư, nâng cấp lò đốt rác để xử lý rác sinh hoạt, phát động thực hiện một số mô hình BVMT. Qua đó, tạo thói quen tốt cho người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thiết thực trong xây dựng, BVMT tại địa phương.
2. Thời gian gần đây, tại huyện Tân Trụ, việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình thành phân bón vi sinh được người dân tích cực hưởng ứng.Điều này không chỉ giúp người dân giảm chi phí sản xuất mà còn làm cho môi trường sạch, đẹp hơn. Việc nhân rộng, lan tỏa hoạt động này cũng góp phần giúp các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt tiêu chí môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau khi được Hội Nông dân xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để xây dựng hố xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ, gia đình bà Phạm Ngọc Bạch (ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) dần hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải. Bà để riêng các loại rác thải có thể tái chế, còn rác hữu cơ thì đổ vào hố ủ để xử lý.
Bà Bạch chia sẻ: “Khi mới phát động, tôi cũng băn khoăn nhưng khi thực hiện thì thấy hiệu quả. Các thành viên trong gia đình cũng đã nhận biết, hình thành thói quen phân loại rác, có trách nhiệm hơn trong BVMT. Gia đình tôi còn vận động các hộ dân trong ấp cùng tham gia”.
Ông Phạm Văn Tú (ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) tham gia mô hình Hố xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, cho biết: “Giá phân bón tăng cao nên việc tận dụng rác thải hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng vừa giảm gánh nặng chi phí sản xuất cho nông dân, vừa giúp vườn nhà sạch, đẹp. Việc phân loại và xử lý rác hữu cơ không tốn nhiều thời gian, sau khi các loại rác chuyển màu đen và không còn mùi hôi là có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Mô hình vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa giảm lượng rác thải, góp phần xây dựng, BVMT sạch, đẹp”.
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Trụ - Đặng Minh Tân, huyện tổ chức, phối hợp thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay góp phần giữ gìn, BVMT. Diện mạo, cảnh quan của huyện Tân Trụ vì thế không ngừng được cải thiện, nâng lên; người dân nâng cao nhận thức, tự giác phối hợp chính quyền địa phương trong BVMT./.
Công tác BVMT được lãnh đạo tỉnh tập trung, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, hỗ trợ xây dựng đề án quản lý chất thải rắn, phối hợp xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn,...
Từ đó, diện mạo, cảnh quan môi trường trên địa bàn được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, Sở TN&MT phối hợp các hội, đoàn thể, địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền để từng bước đưa Luật BVMT vào thực tế cuộc sống, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, cộng đồng trong công tác xây dựng, BVMT.
Đồng thời, nghiên cứu, thực hiện một số mô hình BVMT phù hợp, hiệu quả, lan tỏa sâu sắc đến cộng đồng, từ đó giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chung tay BVMT trên địa bàn”..,
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-cach-lam-hay-trong-xay-dung-bao-ve-moi-truong-a166805.html