Nhiều cách làm hiệu quả, giúp ổn định đời sống dân quân

Những năm qua, nhiều cơ quan quân sự trên địa bàn Quân khu 9 có những cách làm hiệu quả, thiết thực nhằm giúp lực lượng dân quân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, gắn bó với nhiệm vụ.

Gia đình đồng chí Lê Chí Nguyện, dân quân xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không có đất sản xuất, sinh hoạt của 4 người trong gia đình ở căn nhà xiêu vẹo, dột nát. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, đầu năm 2020, Ban CHQS huyện Trần Văn Thời đã vận động cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân đóng góp, giúp đồng chí Lê Chí Nguyện xây dựng căn nhà khá kiên cố. Đây là công trình trong Chương trình “Mái ấm đồng đội” do Ban CHQS huyện Trần Văn Thời phát động từ năm 2017.

Theo Thiếu tá Dương Văn Me, Chính trị viên Ban CHQS huyện Trần Văn Thời, hằng năm, qua khảo sát, nhiều đồng chí dân quân ở địa phương có hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là về nhà ở. Nhằm chia sẻ, động viên lực lượng dân quân, Ban CHQS huyện phát động mỗi cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự nguyện đóng góp, ủng hộ Chương trình “Mái ấm đồng đội”. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, giàu tính nhân văn, ai cũng đồng tình hưởng ứng. Từ ngày phát động, đến nay, Ban CHQS huyện đã trao 7 căn nhà tặng các chiến sĩ dân quân, mỗi căn trị giá từ 40 đến 70 triệu đồng. Hiện Chương trình “Mái ấm đồng đội” được nhân rộng trong toàn tỉnh Cà Mau, góp phần hỗ trợ xây 15 căn nhà tặng dân quân, với số tiền gần 600 triệu đồng.

Dân quân huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh chăm sóc bò từ sự hỗ trợ của Ban CHQS huyện Càng Long.

Dân quân huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh chăm sóc bò từ sự hỗ trợ của Ban CHQS huyện Càng Long.

Thực hiện Cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo”, từ năm 2018 đến nay, Ban CHQS thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ tiền mua con giống giúp hơn 30 chiến sĩ dân quân ổn định đời sống. “Theo khảo sát, tại địa phương còn nhiều chiến sĩ dân quân thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Do đó, chúng tôi đã phát động cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân hằng quý mỗi người đóng góp từ 50.000 đến 100.0000 đồng để xây dựng mô hình “Nghĩa tình đồng đội”. Chúng tôi đã hỗ trợ mỗi gia đình 1-2 triệu đồng để mua cá, gà, vịt giống”, Thiếu tá Nguyễn Anh Thư, Chính trị viên Ban CHQS thị xã Ngã Năm cho biết.

Bày tỏ niềm vui được hỗ trợ, đồng chí Trần Thanh Thừa, dân quân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, phấn khởi: “Trong đợt tập trung huấn luyện cuối năm 2020, Ban CHQS thị xã đã cử người đến tận nhà trao tặng gia đình tôi 2 triệu đồng. Có được số tiền này, tôi đã mua gần 2.000 con cá trê giống. Sau hơn 3 tháng, trừ chi phí, gia đình bán lãi được hơn 5 triệu đồng. Ít ngày nữa tôi sẽ bán lứa cá thứ ba. Nếu giá cả như hiện nay, trừ các khoản chi phí tôi còn lãi hơn 10 triệu đồng”. Cũng được Ban CHQS thị xã Ngã Năm giúp đỡ, hiện nay, gia đình đồng chí Đoàn Vũ Trường, dân quân xã Long Bình đã khá hơn. Anh Trường chia sẻ: “Cuối năm 2019, Ban CHQS thị xã hỗ trợ tôi 100 con vịt giống. Nhờ chăn nuôi “mát tay”, đến nay, tôi đã bán được hơn 10 lứa vịt. Cuộc sống bớt khó khăn, tôi tham gia các đợt huấn luyện đều hơn và tập trung nhiều hơn”.

Ngoài các hoạt động trên, thời gian qua, Ban CHQS thị xã Ngã Năm còn duy trì hiệu quả mô hình “Tiết kiệm gây quỹ giúp đỡ con của lực lượng dân quân vượt khó, học giỏi”. Nhờ đó, đã có hơn 20 suất học bổng được trao tặng các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi ở địa phương.

Còn theo chia sẻ của Thượng tá Lê Văn Nhanh, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, năm 2019, Ban CHQS huyện phối hợp với các ngành của địa phương chọn Ban CHQS xã Mỹ Cẩm để bảo lãnh cho lực dân quân vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cách làm này đến nay đã có gần 20 lượt chiến sĩ dân quân được vay từ 20 đến 30 triệu đồng, thời hạn 5 năm. Từ số tiền được vay, nhiều gia đình đã mua con giống về phát triển chăn nuôi.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, Trung đội Dân quân nữ xã Mỹ Cẩm. Cuối năm 2019, sau khi được vay 30 triệu đồng, chị Tuyền mua 2 con bò nái. Sau một thời gian chăm sóc, 2 con bò đã sinh sản 2 con bê, ít tháng sau, chị Tuyền đã bán 2 con bê để trả vốn, lãi ngân hàng. Chị Tuyền còn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng cỏ, nhờ đó mà bảo đảm được thức ăn cho bò, tiết kiệm chi phí.

Được biết, Mỹ Cẩm là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Càng Long. Qua hai giai đoạn triển khai, xã Mỹ Cẩm có hơn 20 con bò được mua về nuôi, trong đó có 80% đã sinh sản. Bên cạnh việc trả lãi suất đúng quy định, mỗi hộ gia đình dân quân còn gửi tiết kiệm mỗi tháng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm được gần 100 triệu đồng. Số tiền tích lũy này để tạo cơ sở trả gốc nguồn vốn vay khi hết hạn.

Việc cơ quan quân sự nhiều huyện, thị xã trên địa bàn Quân khu 9 có những cách làm hiệu quả, hỗ trợ thiết thực đã giúp lực lượng dân quân yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/nhieu-cach-lam-hieu-qua-giup-on-dinh-doi-song-dan-quan-658033