Nhiều cách làm, quyết tâm mới trong giải ngân đầu tư công

Sau hàng loạt những chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác giải ngân đầu tư công 8 tháng đã có những chuyển biến tích cực, xuất hiện những cách làm mới từ các bộ, ngành, địa phương.

Dự án cầu Sông Chanh 2 (Quảng Ninh) đang được Công ty cổ phần Cầu 75 tích cực thi công, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh.

Dự án cầu Sông Chanh 2 (Quảng Ninh) đang được Công ty cổ phần Cầu 75 tích cực thi công, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh.

Tuy nhiên, nhiệm vụ giải ngân hết 350.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong thời gian 4 tháng còn lại là hết sức nặng nề.

8 tháng, ước giải ngân đạt 41,48% kế hoạch

Sáng 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc nhằm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 là 630.239,9 tỷ đồng. Con số này có thể tăng do một số địa phương đang điều chỉnh tăng thêm nguồn vốn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tổng số vốn NSNN các bộ, ngành và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch được Thủ tướng giao. Hiện nay, có 9 bộ, ngành và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các đơn vị khác. Đồng thời, có 7 bộ, ngành và 31 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện giải ngân, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mức giải ngân trong 7 tháng đầu năm là 223.807 tỷ đồng, đạt 35,5% kế hoạch giao (tính trên kế hoạch 630.000 tỷ đồng). Ước tính đến 31/8/2020, mức giải ngân sẽ đạt 261.437,8 tỷ đồng, bằng 41,48% kế hoạch. So với cùng kỳ năm ngoái, các con số này đều tích cực hơn.

Tuy vậy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/8 đạt trên 45%, vẫn còn 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ này dưới 35% và thậm chí 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%.

Vẫn nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn ODA

Đánh giá nguyên nhân tình trạng này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng tình với các nhận định Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư… Đồng thời, Bộ trưởng cho biết Nghị định 56/2020/NĐ-CP vừa qua có nhiều thay đổi, dẫn đến các bộ, địa phương, chủ dự án lúng túng khi triển khai dự án ODA.

Bên cạnh đó, việc các bộ, ngành, địa phương giải ngân kế hoạch năm 2019 được phép kéo dài song song với giải ngân kế hoạch vốn 2020 cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc thi công, huy động nhân lực, nguồn vốn của các dự án ODA… Đặc biệt, việc thực hiện các dự án ODA còn gặp rất nhiều vướng mắc như giao kế hoạch chưa rõ về cơ chế tài chính áp dụng.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm, trên cơ sở nắm bắt tình hình tại địa phương, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp và một số kiến nghị để Thủ tướng để xem xét, quyết định.

Nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong giải ngân

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác giải ngân. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Và tổ chức nào, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và cá nhân có liên quan trong năm nay.

“Cái này thành một chế tài quan trọng, nếu chúng ta sờ đến vai trò cá nhân của người đứng đầu thì chuyển biến mới được, còn nói chung chung khó lắm”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương khẳng định quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay. TP. Hà Nội sẽ thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc. Cuối tháng 8/2020, thành phố sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020.

TP.HCM duy trì thường xuyên họp giao ban, công tác giải ngân, đầu tư công 2 tuần/lần. Thành phố lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết ngay trong tổ công tác liên ngành về đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Việc rà soát, điều chuyển vốn sẽ được thực hiện thường xuyên từ nay đến cuối năm, nhằm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Các đơn vị giải ngân dưới 35% phải nghiêm túc chấn chỉnh

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá, sau hội nghị giao ban trực tuyến tháng trước, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với những tháng đầu năm 2020.

Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận đã xuất hiện nhiều cách làm mới, quyết tâm mới như việc lãnh đạo cao nhất của địa phương đi từng công trình, nhiều tỉnh ủy, thành ủy ban hành nghị quyết, nêu cao vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên giao ban, đôn đốc, chuyển vốn, chuyển chủ đầu tư… đưa ra những chế tài rất mạnh như làm chậm thì không được tham gia đấu thầu công trình và không tham gia làm chủ đầu tư các công trình tiếp theo. Nhiều bộ không tiêu hết tiền đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn cho các công trình dở dang.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong những tháng cuối năm thì mới có thể giải ngân được 100% số vốn kế hoạch. Đó là việc giao kế hoạch vốn còn bất cập. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm, là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ. Nhiều nơi cán bộ, công chức, chủ đầu tư, nhà thầu còn thiếu trách nhiệm. Đặc biệt là các dự án ODA, vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định, nguồn vốn… ảnh hưởng rất lớn đến triển khai dự án.

Với vướng mắc như vậy, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng đề nghị tổ chức một hội nghị chuyên đề về ODA và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, đặc biệt là các nơi đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.

Tháo gỡ khó khăn từ thực tế địa phương

Coi việc thúc đẩy giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm phải đôn đốc, bên cạnh việc tham gia các đoàn kiểm tra, đôn đốc giải ngân của Thủ tướng, của các bộ, Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn công tác do Bộ trưởng làm trưởng đoàn làm việc với 4 địa phương là Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Dương. Trên cơ sở nắm bắt tình hình, giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và từ một số nội dung đã làm việc, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn cụ thể của các địa phương.

Qua các chuyến công tác, bên cạnh việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng biểu dương một số địa phương có những kinh nghiệm hay cần nhân rộng. Chẳng hạn như Bắc Kạn, một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước, nhưng đạt mức giải ngân khá cao trên 60%. Ngoài việc tiết kiệm chi thường xuyên 10% theo yêu cầu, địa phương đã tăng mức tiết kiệm thêm 2%. Với các dự án sau khi đấu thầu, yêu cầu tiết kiệm thêm 5% để làm nông thôn mới. "Đây là những kinh nghiệm triển khai rất tốt", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-22/nhieu-cach-lam-quyet-tam-moi-trong-giai-ngan-dau-tu-cong-91335.aspx