Nhiều cạm bẫy 'đầu độc' trẻ em khi tiếp cận với Tiktok

phủ sóng của Tiktok là không thể chối cãi và ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nền tảng này thu hút người dùng ở mọi độ tuổi, trong đó, các bạn học sinh ở độ tuổi còn nhỏ, điều này tạo ra nhiều cạm bẫy, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn nhỏ.

Tiktok ngày càng phủ sóng rộng rãi

Việt Nam hiện được coi là thị trường tăng trưởng người dùng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Với số lượng người dùng có gần 70% độ tuổi từ 16 – 24 và 30% người dùng ở độ tuổi trên 25. Như vậy, có thể thấy Tiktok có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với giới trẻ Việt Nam.

Tiktok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội hiện đang là ứng dụng có tốc độ phát triển số một trong nền tảng công nghệ số.

Đây cũng chính là lí do khiến cho Tiktok nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng. Phía sau sự hấp dẫn và vui nhộn mà Tiktok mang đến thì đây cũng là ứng dụng tồn tại những mặt trái vô cùng nguy hiểm.

Tại Tiktok, hàng loạt video liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội như ma túy, tình dục, khoe thân thể phản cảm cùng không ít thông điệp nguy hiểm xuất hiện. Nhiều sản phẩm âm nhạc nước ngoài và các bài hát Việt Nam cũng xuất hiện những nội dung trái thuần phong mỹ tục.

Có rất nhiều chủ tài khoản Tiktok chỉ là những thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ, một số trong đó thậm chí vẫn đang ở độ tuổi đi học lại rất thích thú với những trào lưu phản cảm.

Nhiều nội dung đầu độc trẻ em

Rất nhiều phụ huynh đến tận bây giờ vẫn không quên được video dùng búp bê “cầu vía học giỏi” của kênh TikTok Thơ Nguyễn, một video chứa nội dung phản cảm, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã được đăng tải lên các kênh truyền thông, thu hút rất nhiều em học sinh xem.

Video được Thơ Nguyễn đăng tải trên Titok thu hút rất nhiều lượt xem, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vì ảnh hưởng tới trẻ em

Cụ thể, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng “mẹ” và gọi búp bê là “con gái”, sau đó cầm con lắc để “xin vía”. Tiếp đó, nữ chủ nhân video này còn cho búp bê uống nước ngọt.

Sự việc này đã gây hoang mang xã hội, gây ra tâm lý tiêu cực tới sự phát triển và nhận thức của trẻ em, khiến nhiều phụ huynh và dư luận xã hội bức xúc.

Mới đây, BS Hồng Thu – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương vừa tiếp nhận một trường hợp của bé gái lớp 1 ở Hà Nội được gia đình đưa đến khám về tình trạng sức khỏe tâm thần.

Theo người thân của bé gái này, xuất phát từ việc dùng điện thoại để học online, bé gái bắt đầu hay xem Tiktok và nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn để đăng lên mạng. Người nhà cho biết ban đầu rất hứng thú khi kênh TikTok của con có nhiều người xem, nghĩ con có năng khiếu nên để con vui vẻ.

“Tuy nhiên, tôi không ngờ con quên cả học tập, tự quay clip với những nội dung vô nghĩa, bắt chước những trò nhảy nhót thái quá. Khi bị nhắc nhở, con tự nhốt mình trong phòng, tự quay clip. Tôi lo quá nên vội đưa con đi khám”, mẹ bé gái chia sẻ.

TS.BS Trần Thị Hồng cho biết, dù nghiện Tiktok chưa được xếp vào bệnh lý tâm thần, tuy nhiên trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ở lứa tuổi học sinh được gia đình đưa đến vì “quá mê” Tiktok.

Cần quản lý con khi tiếp cận Tiktok và mạng xã hội

Chị Ngọc Kiều (Tuyên Quang) chia sẻ về việc siết chặt những nội dung trên mạng xã hội với con của mình: “Tôi cho con xem YouTube kids, giới hạn thời gian xem. So với các bạn cùng lứa với con tôi (3 tuổi) thì có nhiều bạn cứ uốn éo mấy cái trend nhảy nhót trên Tiktok mà bố mẹ cứ tưởng thế là hay”.

“Con tôi chỉ biết mỗi cocomelon với super jojo, baby bus... Tôi thấy quản lý như vậy là phù hợp với độ tuổi của con”, chị Kiều nói thêm.

Cũng giống như quan điểm của chị Kiều, chị Nguyễn Thị Hàm Băng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Con mình 5 tuổi mà muốn xem điện thoại phải xin mấy ngày mới được cho coi 30 phút. Mà bé nhà mình còn ngây thơ lắm, chỉ thích coi mấy chương trình tiếng Anh, hoặc mấy bé nước ngoài làm về đồ chơi à.”

“Có lần tivi nó tự nhảy vào mấy cái đánh game, hoạt hình để tạo chém giết, mình phải canh xóa, rồi chọn lọc lại cho bé. Đối với mình tầm tuổi này không phải là tuổi nhảy nhót để lên mạng người ta khen con giỏi gì hết. Mình muốn bé phát triển vui chơi khám phá bình thường là được rồi”, chị Băng tâm sự.

Trẻ em là những tờ giấy trắng, tuy nhiên trong thời kì hiện đại ngày nay, khi mà các phương tiện internet đã trở nên phổ biến thì rất nhiều nội dung xấu, độc có thể làm hại con trẻ bất kỳ lúc nào.

Chị Lê Thị Nhàn (Hà Nội) là mẹ của hai nhóc tỳ chia sẻ: “Rất nhiều phụ huynh tự hào khoe con mình trend gì của Tiktok cũng nhảy siêu múa dẻo. Cứ cho con xem, thấy con uốn éo được là mừng, rất nhiều người còn vào khen con giỏi các thứ nữa. Trong khi Tiktok nhiều content rất không hay…”

Mặc dù TikTok đã có những nỗ lực để bảo vệ trẻ em nhưng quan trọng nhất vẫn là phụ huynh phải giám sát vào các hoạt động trực tuyến của con em mình. Bản thân TikTok không phải là xấu, tuy nhiên đối với trẻ em cần phải xem xét những nội dung phù hợp nhất để tiếp cận.

Bài và ảnh: Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-cam-bay-dau-doc-tre-em-khi-tiep-can-voi-tiktok-post188373.html