Nhiều cán bộ và người dân 'bắt tay' chiếm đoạt tiền của dự án ngàn tỉ
Nhiều cán bộ đã gom đất rồi nhờ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đứng tên để chiếm đoạt hàng tỉ đồng tiền của nhà nước.
Ngày 28-5, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vự án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy tại dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (Đắk Lắk).
Các bị cáo gồm: Đỗ Văn Hưu (SN 1970, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1984), Lê Thành Nguyên (SN 1983); Lê Sơn (SN 1985, đều là cán bộ địa chính xã Cư Elang trước đây) bị truy tố "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ngoài ra, 6 bị cáo là 3 đôi vợ chồng gồm: Y Thoai Byă (SN 1962), H’Blút Niê (SN 1967), Y Wem Byă (SN 1971), H’Nĩ Niê (SN 1965), Y Thiên Ktla (SN 1962) và H’Nút Byă (SN 1965, cùng ngụ xã Cư Elang) cùng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do có hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức cho các cán bộ thực hiện hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Bộ NN-PTNT phê duyệt vào năm 2009, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Trong đó, diện tích đất thực hiện điểm tái định cư số 1 thuộc địa giới hành chính xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư.
Trong khoảng thời gian 2016 - 2017, khi biết được chủ trương và thực hiện chủ trương thu hồi và bồi thường, hỗ trợ nên các ông Nghĩa, Sơn, Nguyên và Hưu đã góp tiền cùng nhau mua đất. Sau đó, các cán bộ này nhờ các hộ đồng bào tại chỗ và đều thuộc diện hộ nghèo nói trên đứng tên trên hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ và ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất không đúng dẫn đến gây thiệt hại cho nhà nước hơn 4,6 tỉ đồng. Riêng ông Hưu là Chủ tịch UBND xã Cư Elang, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất, đã thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc của cán bộ địa chính thuộc quyền và đã ký xác nhận vào hồ sơ đề nghị bồi thường đất và hỗ trợ trái quy định gây thiệt hại cho hơn 3,5 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện UBND huyện Ea Kar cùng một số cơ quan đơn vị liên quan. Đồng thời, trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Y Wem Byă vì tại phiên tòa bị cáo này có nhiều biểu hiện bất thường như không trả lời các câu hỏi, không biết địa chỉ nhà... Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Y Wem Byă.
Liên quan đến vụ án, do hết thời hạn nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tách các vụ việc như: 30 hộ dân được nhận bồi thường, hỗ trợ hơn 32 tỉ đồng không đúng quy định; vụ việc có dấu hiệu sai phạm của nhiều cán bộ thuộc UBND xã Cư Elang và UBND huyện Ea Kar trong thực hiện nhiệm vụ…