Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc từ bỏ ly hôn vì '30 ngày hòa giải'

Kể từ khi thời gian làm thủ tục bị kéo dài, tỷ lệ ly hôn ở xứ tỷ dân giảm mạnh. Song, nhiều người vẫn giữ thái độ tiêu cực với chính sách này.

Dữ liệu do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố chỉ ra có 296.000 đôi vợ chồng nước này ly hôn trong quý đầu năm 2021, giảm 72% so với quý 4 năm ngoái, theo Sixth Tone.

Trước đó, báo cáo từ hàng chục tỉnh thành như Hàng Châu, Nam Xương, Nam Kinh... cũng cho thấy chiều hướng giảm sút tương tự.

Tháng 1/2021, chính sách "30 ngày hòa giải" áp dụng cho các cặp vợ chồng muốn chia tay chính thức có hiệu lực. Trong khoảng thời gian tạm hoãn thủ tục, yêu cầu ly dị sẽ bị hủy bỏ nếu một trong hai người thay đổi ý định.

 Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh nhờ luật "30 ngày hòa giải". Ảnh: Sixth Tone.

Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh nhờ luật "30 ngày hòa giải". Ảnh: Sixth Tone.

Theo điều luật mới, các cặp vợ chồng sẽ mất khoảng 30-60 ngày để ly hôn. Cả 2 buộc phải tham gia 2 cuộc họp với văn phòng dân sự địa phương. Nếu họ không có mặt, yêu cầu chia tay sẽ tự động bị hủy bỏ.

Nhiều chuyên gia về hôn nhân, gia đình nhận định rằng tỷ lệ ly hôn giảm trong 3 tháng đầu năm là kết quả từ luật "30 ngày hòa giải".

Zhang Yang, Tổng thư ký Ủy ban Luật Hôn nhân và Gia đình thuộc Hiệp hội Luật sư Thẩm Dương, nói với Sixth Tone rằng giai đoạn tạm dừng quá trình ly dị có thể giảm trường hợp chia tay vội vàng, thiếu suy nghĩ.

"Nhiều đôi vợ chồng từ bỏ ý định chia tay trong thời gian một tháng cân nhắc về cuộc hôn nhân, vấn đề nuôi con và tài sản chung", bà Zhang chia sẻ.

Theo Sixth Tone, một trong những mục đích của luật "30 ngày hòa giải" là giải quyết vấn đề già hóa dân số ở xứ tỷ dân. Chính phủ Trung Quốc hy vọng bằng việc khuyến khích các cặp vợ chồng gắn bó lâu dài, tỷ lệ kết hôn và sinh nở sẽ gia tăng.

Dù đem lại hiệu quả như mong đợi từ các nhà chức trách, dư luận Trung Quốc lại có phản ứng trái chiều đối với điều luật mới này.

Nhiều người lo ngại khoảng thời gian 30 ngày hòa giải sẽ hạn chế quyền tự do ly hôn, hoặc đẩy nạn nhân bạo lực gia đình vào nguy hiểm.

 Tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc cao hơn nhiều nước phát triển khác, trong đó có Mỹ. Ảnh: Lorenz Huber.

Tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc cao hơn nhiều nước phát triển khác, trong đó có Mỹ. Ảnh: Lorenz Huber.

"Nên nói '72% các cặp vợ chồng không thể ly hôn' mới đúng", một dân mạng bình luận trên Weibo.

"Chính phủ cố gắng can thiệp bằng nhiều biện pháp nên tỷ lệ ly dị sẽ giảm. Nhưng nỗi khổ của những người mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc sao có thể tính toán bằng số liệu?", một người dùng Weibo khác chia sẻ.

Lian, một phụ nữ 26 tuổi sống tại Thâm Quyến, cho biết cô và chồng cũ từng trải qua giai đoạn hòa hoãn trước khi chính thức "đường ai nấy đi" vào tháng 4 vừa qua.

"Với tôi, 30 ngày tạm dừng thủ tục đó là không cần thiết. Tôi không nghĩ ai có thể thay đổi quyết định trong vỏn vẹn một tháng", cô nói với Sixth Tone.

Chen Yaya, một nhà nghiên cứu về giới tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết cô hoàn toàn hiểu phản ứng gay gắt của công chúng với chính sách này.

Tuy nhiên, cô nhấn mạnh trọng tâm hiện tại là giải quyết các vấn đề phát sinh.

"Luật '30 ngày hòa giải' đã có hiệu lực. Chúng ta nên tập trung vào những vấn đề có thể xử lý được như nghiên cứu ảnh hưởng của chính sách này lên phụ nữ, loại bỏ các hệ lụy tiêu cực", cô nói.

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có chính sách hạn chế ly hôn. Sixth Tone cho biết giới chức nước này đã tham khảo chính sách liên quan ở các nước Anh, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ khi soạn thảo điều luật này.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-cap-vo-chong-trung-quoc-tu-bo-ly-hon-vi-30-ngay-hoa-giai-post1216703.html