Nhiều câu hỏi quanh năng lực phòng không Ukraine

Việc học viện quân sự và bệnh viện trúng tên lửa cũng như việc chiếc F-16 rơi ở Ukraine làm dấy lên nhiều câu hỏi về năng lực phòng không Ukraine.

Gần một tháng sau khi Ukraine đưa quân tràn sang biên giới Nga, tấn công tỉnh Kursk và tuyên bố chiếm giữ được hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga, Kiev gần đây liên tục báo báo về các đợt không kích quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành của Ukraine, được cho là đòn trả đũa từ Moscow.

Loạt vụ tấn công trong tuần

Mới đây, ngày 3-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng hai tên lửa đạn đạo của Nga đã tấn công vào một học viện quân sự và một bệnh viện ở TP Poltava (miền trung Ukraine) khiến 51 người thiệt mạng và 271 người bị thương - đánh dấu vụ tấn công chết chóc nhất trong năm nay.

Vụ tấn công khiến một tòa nhà của Học viện Truyền thông Quân sự Poltava bị phá hủy một phần” và gây hư hại cho cơ sở y tế gần đó. Đến ngày 4-9, công tác tìm kiếm và cứu hộ những người bị kẹt trong đống đổ nát vẫn tiếp tục.

 Đội cứu hộ ở Học viện Truyền thông của quân đội Ukraine, TP Poltava (miền trung Ukraine) sau khi cơ sở này trúng tên lửa. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Đội cứu hộ ở Học viện Truyền thông của quân đội Ukraine, TP Poltava (miền trung Ukraine) sau khi cơ sở này trúng tên lửa. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sự việc học viện quân sự Ukraine trúng tên lửa diễn ra sau loạt không kích quy mô lớn của Nga trên khắp các tỉnh thành ở Ukraine. Trước đó, Lực lượng Không quân Ukraine báo cáo rằng trong đêm 1-9, rạng sáng 2-9 (giờ địa phương), Nga phát động cuộc tấn công tên lửa vào các khu vực Kiev, Sumy và Kharkiv bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không có điều khiển và máy bay không người lái (UAV).

Ngày 29-8, trong một đợt không kích mà Ukraine mô tả là “lớn nhất từ trước đến nay” của Nga trên bầu trời Ukraine, một tiêm kích F-16 mà phương Tây cung cấp cho Kiev đã rơi khiến phi công hàng đầu của nước này thiệt mạng.

Vụ việc đã phủ bóng đen lên chiến trường Ukraine khi một tiêm kích hàng đầu như F-16, phương tiện mà Ukraine nỗ lực đấu tranh để thuyết phục phương Tây cung cấp, lại gặp nạn chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện tại chiến trường Ukraine.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tính đến tháng 7, khoảng 11.520 dân thường đã thiệt mạng trong xung đột Nga - Ukraine. Báo cáo lưu ý rằng con số thực tế có thể còn cao hơn, The New York Times đưa tin.

Phòng không Ukraine nhiều lỗ hổng?

Xuất hiện nhiều nghi ngờ liên quan khả năng phòng không của Ukraine sau sự việc ở Poltava.

“Thảm kịch ở Poltava có thể đã tránh được nếu các quy định về an ninh không chỉ nằm trên giấy tờ” - tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Serhiy Sternenko, một blogger quân sự nổi tiếng ở Ukraine.

Nhiều nhân chứng tại hiện trường nói với tờ The New York Times rằng còi báo động ở TP Poltava đã vang lên quá muộn trong vụ tấn công hôm 3-9.

“Thật không may khi mọi người không có đủ thời gian để chạy đến nơi trú ẩn. Có quá ít thời gian từ lúc cảnh báo không kích đến đợt không kích đầu tiên” - anh Markiyan (25 tuổi), một binh sĩ Ukraine có mặt bên trong Học viện Truyền thông Quân sự Poltava thời điểm xảy ra không kích, cho hay.

Bà Olena Serdyuk, một người dân thành phố Poltova, cũng nói rằng cảnh báo không kích “vang lên chưa được một phút” thì hai vụ nổ xảy ra.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine cũng nêu rõ rằng “khoảng thời gian giữa báo động không kích và thời điểm tên lửa xuất hiện quá ngắn nên khiến mọi người chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để sơ tán đến hầm trú ẩn”.

Theo giải thích từ Bộ Quốc phòng Ukraine, tên lửa Nga sử dụng trong đợt tấn công này là lửa đạn đạo có tốc độ di chuyển nhanh và chỉ một số ít hệ thống phòng không của Ukraine có thể đánh chặn.

Theo The New York Times, hệ thống phòng thủ duy nhất được chứng minh có thể chống lại tên lửa đạn đạo là hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên, chưa rõ có hệ thống Patriot tại địa điểm xảy ra vụ không kích vừa qua hay không.

Về vụ F-16 rơi, dù chưa xác định rõ nguyên nhân khiến máy bay rơi song có thông tin chiếc F-16 bị trúng tên lửa Patriot do phòng không Ukraine thiếu phối hợp.

Chưa rõ Ukraine sắp tới sẽ có những điều chỉnh gì về phòng không hay không. Ngày 3-9, Tổng thống Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp thêm hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu để bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga, lưu ý rằng việc giao hàng của phương Tây quá ít và quá chậm.

Ông Zelensky lặp lại lời kêu gọi phương Tây cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa do phương Tây cung cấp.

Tại Mỹ ngày 3-9, sau khi nghe thông tin học viện quân sự và bệnh viện Ukraine bị tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tuyên bố lên án và khẳng định rằng “Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng họ, bao gồm cả việc cung cấp các hệ thống phòng không và khả năng mà cần thiết để Ukraine bảo vệ đất nước”.

Ngoại trưởng Ukraine: Phương Tây sắp dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí tầm xa

Ngày 3-9, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Kiev đang hoàn thiện các thỏa thuận với các đối tác về việc dỡ bỏ lệnh cấm tấn công tầm xa vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga bằng vũ khí phương Tây, theo hãng thông tấn Ukrinform.

Gọi thời điểm hiện tại là then chốt, ông Kuleba cho biết Ukraine đang tập trung giải quyết vấn đề về những hạn chế liên quan khả năng tầm xa.

Theo nhà ngoại giao này, khả năng Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga phụ thuộc vào Mỹ, Anh, Pháp và Đức và bốn quốc gia này “gần gũi và thân thiện với Ukraine”.

Ông Kuleba kêu gọi các đối tác của Ukraine nên dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, cũng như cung cấp cho Ukraine các tên lửa cần thiết.

Nga chưa bình luận thông tin này.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-cau-hoi-quanh-nang-luc-phong-khong-ukraine-post808341.html